“Nóng” với đường dây nóng

Giữa trưa, đường dây nóng của Đội phản ứng nhanh thuộc Trung tâm y tế phường Phú Thạnh, Quận Tân Phú reo lên. BS Nguyễn Hữu Hiệp nhanh chóng nghe máy. Đầu giây là giọng của một người đàn ông nói với sự hoang mang: “Tôi tự test nhanh ra kết quả dương tính, 4 người còn lại trong gia đình thì âm tính. Tôi đang rối lắm, nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi”.

Sau khi trấn anh tinh thần bệnh nhân, BS Nguyễn Hữu Hiệp thăm khám tình trạng sức khoẻ, tiền sử bệnh lý nền. Thấy bệnh nhân không có triệu chứng của Covid-19, không bệnh lý nền, gia đình có phòng riêng, BS Hiệp đã hướng dẫn anh cách ly điều trị tại nhà, tận tình hướng dẫn sử dụng thuốc uống hằng ngày.

Được bác sĩ động viên, nhắc nhở gọi điện bất cứ lúc nào nếu thấy sức khỏe có biểu hiện bất thường, khó thở… bệnh nhân ở đầu dây rối rít cảm ơn và yên tâm hơn vì luôn có bác sĩ đồng hành bên cạnh.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều cuộc điện thoại của bệnh nhân F0 gọi điện đến đường dây nóng của trạm y tế thời gian qua. Bất kể ngày hay đêm, đường dây này luôn “nóng”.

BS Nguyễn Hoàng Hiệp kể: Có những lần, giữa đêm, trạm y tế nhận được cuộc gọi báo rằng F0 có triệu chứng trở nặng, suy hô hấp, đội phản ứng nhanh tức tốc dùng bình oxy và thuốc men lên đường cấp cứu cho bệnh nhân.

Đội phản ứng nhanh của trạm y tế phường Phú Thạnh trước đây có 4 nhân sự. Mới đây, trạm được chi viện thêm 2 tình nguyện viên của Học viện Quân Y 103. Tình nguyện viên Nguyễn Đức Anh (24 tuổi, Học viện Quân Y 103) vừa chân ướt chân ráo nhận nhiệm vụ mới tại trạm nhưng chỉ trong 2 ngày vừa qua đã đến tận nhà hỗ trợ cho hàng chục F0.

Nhận được sự chi viện nhân sự, chúng tôi phần nào giảm bớt áp lực hơn, nhiều F0 được hỗ trợ can thiệp kịp thời hơn”- BS Nguyễn Hữu Hiệp chia sẻ.

BS Nguyễn Mậu Nam – Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật TTYT quận Tân Phú cho hay: Quận Tân Phú có 11 phường với dân số đông. Phường có dân số thấp nhất là 32.000 dân, phường dân số đông nhất là 69.000 dân. Những ngày qua, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hồ Chí Minh, quận triển khai hướng dẫn tự test nhanh cho người dân trên địa bàn, số F0 có sự gia tăng, trong khi đó nhân lực hiện hữu mỏng.

Song song với sự hỗ trợ từ đội phản ứng nhanh thuộc trạm y tế của mỗi phường, trên địa bàn có 11 trạm y tế lưu động cũng đang được gấp rút đưa vào hoạt động. Mỗi trạm y tế lưu động gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, và 3 tình nguyện viên, mục đích là nhanh chóng tiếp cận đến người bênh.

Nhiệm vụ của mỗi trạm y tế lưu động là hỗ trợ điều trị kịp thời cho F0 và cả những người bệnh mang bệnh lý thông thường, nâng cao hiệu quả điều trị F0 trong cộng đồng.

Trạm y tế lưu động phối hợp cùng đội phản ứng nhanh của trạm y tế cơ hữu

TP. HCM đã xây dựng hệ thống trạm y tế lưu động tại các phường, xã, quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Chỉ sau vài ngày thực hiện, hơn 400 trạm y tế lưu động đã được hình thành. Trạm y tế cơ hữu và trạm y tế lưu động có sự phối hợp để cùng vận hành, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho F0 trong cộng đồng. Một trong những trạm y tế lưu động đầu tiên được vận hành tại TP. HCM là trạm lưu động phường 11, Quận 3.

Với nhân lực là 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng, hiện nay, trạm đang quản lý hơn 70 người F0 đang cách ly tại nhà với đầy đủ các trang thiết bị, thậm chí có giường cấp cứu và oxy sẵn sàng cho những ca bệnh tiến triển bất thường.

BS Lê Thị Bảo Yến – Trung tâm y tế quận 3, TP. HCM chia sẻ: Tại trạm có đầy đủ thiết bị như oxy cho bệnh nhân thở, tủ thuốc để điều trị những triệu chứng mà chức năng của trạm y tế có thể điều trị được. Những ngày qua, trạm đã vận hành ổn định, hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho bệnh nhân rất tốt, hỗ trợ chuyển viện cho những trường hợp nặng được đến cơ sở điều trị an toàn.

Tương tự, tại quận 7 cũng liên tục ra mắt 5 trạm y tế lưu động. BS Mai Hồng Tiến - PGĐ Điều hành TTYT Quận 7 cho biết: Trạm y tế lưu động sẽ cùng với đội phản ứng nhanh của trạm y tế cơ hữu thực hiện chăm sóc và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19, bao gồm đáp ứng xử trí những trường hợp F0 phải thăm khám tại nhà và những trường hợp cần kíp phải chuyển viện.

Việc hỗ trợ chăm sóc và điều trị tốt cho F0 tại nhà được đánh giá hạn chế những tai biến nặng nề xảy ra do Covid-19. Ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh: “Với mô hình này, các y bác sĩ tiếp cận gần hơn tình hình sức khỏe của từng người mắc Covid-19 và hỗ trợ người bệnh khi họ cần tư vấn. Nhất là sẽ cung cấp trực tiếp và miễn phí các thiết bị y tế, thuốc men và chăm sóc sức khỏe khi họ có tiến triển bất thường. Chúng tôi kỳ vọng với mô hình này chắc chắn sự chăm sóc sức khỏe tại địa phương, đặc biệt là tại phường xã sẽ tốt hơn và người dân sẽ thuận lợi hơn”.