Tại Hội nghị đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn nhằm xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe cho cả khu vực ASEAN, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn những hạn chế mang tính chủ quan ảnh hưởng đến lộ trình chuyển đổi Thành phố trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN như: Ngôn ngữ giao tiếp của nhân viên y tế thuộc các BV công lập chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế cho công tác khám chữa bệnh cho người nước ngoài.

Bên cạnh đó, TPHCM chưa phát huy thế mạnh mô hình viện - trường trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, trong quảng bá kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới…, làm thế giới thiếu thông tin về sự phát triển của ngành y tế Thành phố.

Ngoài ra, lãnh đạo các bệnh viện đầu ngành chưa chú trọng tham gia xếp hạng danh sách các BV chuyên khoa hàng đầu trên thế giới.

Đặc biệt, theo ông Thượng, du lịch y tế chưa được Thành phố chú trọng đúng mức, phát triển còn manh mún.

Người đứng đầu ngành y tế TP.HCM cho rằng, có 7 nhóm giải pháp để TP.HCM sớm thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, đó là, Thành phố cần hình thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao. Theo đó, tăng cường liên kết đào tạo giữa các trường đại học khối ngành sức khỏe với các trường đại học y khoa có uy tín trên thế giới.

Giải pháp thứ 2, đó là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của hệ thống y tế theo hướng hiện đại, đồng bộ. Ưu tiên nguồn lực xây dựng mới các bệnh viện chuyên khoa đã xuống cấp. Xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, nhà dưỡng lão.

Thứ 3, theo ông Thượng, cần phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Thứ 4, cần cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Thứ 5, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế.

Thứ 6, phát triển du lịch y tế, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.

Và nhóm giải pháp cuối cùng, đó là xây dựng mạng lớn chăm sóc chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, TP.HCM không chỉ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn 10 triệu dân trên địa bàn mà còn tiếp nhận điều trị cho hàng triệu người dân từ các địa phương trong cả nước, kể cả quốc tế.

Năm 2022, số bệnh nhân nội trú, ngoại trú của Thành phố là 35,3 triệu lượt, chiếm 22,8% tổng số bệnh nhân của cả nước. TP.HCM có 22 bệnh viện là tuyến cuối tham gia hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo tuyến cho các tỉnh phía nam. Thành phố cũng là đầu mối quan trọng trong hợp tác và giao lưu y tế quốc tế.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM khẳng định, Thành phố rất tự hào với thành tựu về y tế chuyên sâu thời gian qua. Để đạt được mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khu vực ASEAN, lãnh đạo và ngành y tế thành phố sẽ tập trung đầu tư toàn diện hệ thống cơ sở y tế theo quy hoạch, nhất là các bệnh viện chuyên sâu.

TP.HCM sẽ đề xuất với Bộ Y tế, các cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan để hoàn thiện mạng lưới liên kết vùng về lĩnh vực y tế cả trong chẩn đoán, điều trị, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cho y tế chuyên sâu.

Đặc biệt, TP.HCM cũng tập trung hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý nhà nước về y tế để tạo khung pháp lý, hành chính nhằm phát triển trung tâm chăm sóc sức khỏe trình độ quốc tế theo hướng chuyên sâu.