"Thành phố đang đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch", ông Thượng nói tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa X và đề cập dịch Covid-19 lẫn sốt xuất huyết đang đồng thời có dấu hiệu gia tăng tại thành phố. Nguy cơ dịch chồng dịch từng được Giám đốc Sở Y tế cảnh báo trong cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội TP HCM, diễn ra hơn một tuần trước. Lần này, mối lo ngại của ông tập trung nhiều hơn về Covid-19, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số ca nhiễm mới tuần qua tăng 18% so với tuần trước trên toàn thế giới, số ca tử vong cũng tăng 3%; trong đó biến chủng BA.4 và BA.5 chiếm ưu thế.

Trên thực tế tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Việt Nam sau khi biến chủng BA.5 xuất hiện. Theo Sở Y tế TP HCM, số ca nhiễm mới thành phố ghi nhận mỗi ngày trung bình 30-50 ca. Số ca mắc mới có khuynh hướng tăng nhẹ trong 21 ngày qua, trong đó số ca nặng tăng hơn 10 ngày qua. Viện Pasteur TP HCM đã ghi nhận hai ca nhiễm biến chủng BA.4 (trú ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) và một ca nhiễm biến chủng BA.5 (ngụ tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi). Cả ba đều được phát hiện khi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM xét nghiệm ngẫu nhiên.

"Tuy Covid-19 được kiểm soát ổn định, nhưng biến chủng phụ mới xuất hiện, lan nhanh nên nguy cơ dịch bùng phát là mối đe dọa với TP.HCM và cả nước", ông Thượng cho biết.

Giải pháp phòng Covid-19 tái bùng phát là đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, 4. "Nguồn cung ứng hiện không thiếu, thậm chí khá dồi dào", ông Thượng nói và cho biết ba hôm trước Bộ Y tế phân bổ thêm cho TP.HCM hơn 900.000 liều vaccine Pfizer. Trước đó, trong nửa cuối tháng 6, mỗi ngày thành phố tiêm hơn 50.000 liều vaccine.

Ngành y tế cũng ghi nhận dịch sốt xuất huyết đang lan ở các tỉnh phía Nam với chủng virus D2 chiếm ưu thế. Đây được cho là có độc lực cao hơn, khiến số ca nặng và tử vong tăng cao. Những năm trước chủ yếu chủng virus D1 chiếm ưu thế, hàng năm ghi nhận hàng chục nghìn ca sốt xuất huyết và 5-10 ca tử vong. Năm nay do chủng D2 nên hơn nửa đầu năm đã ghi nhận khoảng 23.000 ca sốt xuất huyết trong đó 11 ca tử vong gồm cả người lớn, trẻ em và phụ nữ mang thai. Miền Nam đang vào cao điểm mùa mưa, dịch sốt xuất huyết còn kéo dài nên dự báo số ca mắc, ca nặng, tử vong sẽ gia tăng.

Như vậy, theo ông Thượng, tình huống xấu nhất là dịch Covid-19 có thể chồng lên dịch sốt xuất huyết. Để ngăn nguy cơ này, các địa phương cần chuẩn bị nguồn lực tương ứng để sẵn sàng kích hoạt và cần đồng bộ giải pháp phòng ngừa Covid-19 với sốt xuất huyết.

Để phòng chống sốt xuất huyết, ông khuyến cáo diệt loăng quăng, song song với diệt muỗi vằn bằng cách phun hóa chất, tránh tạo không gian cho muỗi sinh sống như thay bình hoa, không để đọng nước sạch, nước mưa trong đồ vật.