Trà dưỡng tâm và dưỡng an, uống tốt vô cùng, giúp an thần, dễ ngủ, chống lão hóa, làm đẹp da và đặc biệt có thể giảm mỡ máu hiệu quả mà không cần uống thuốc bác sĩ kê…” - Đó là những lời quảng cáo mà chúng ta thường xuyên đọc hoặc nghe thấy khi ghé thăm một cửa hàng bán trà thảo dược nào đó. Có cung thì hẳn nhiên phải có cầu. Trên thực tế, xu hướng dùng trà thảo dược với mục đích nâng cao sức khỏe, duy trì sắc đẹp đã và đang phổ biến đối với người tiêu dùng.

Mỗi ngày, tôi pha một ấm trà 1 lít nước gồm 3 quả táo đỏ, 10 quả long nhãn, 6 nụ hoa hồng, hoa cúc, thêm 5 nhánh đông trùng tươi. Uống hết, tôi lại pha thêm để uống cả ngày thay cho nước lọc” – Bà Đỗ Thị Hoa, 65 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, bà đã duy trì thói quen này 6 tháng nay và thấy hiệu quả đối với sức khỏe, ngủ tốt hơn, không còn tình trạng đau đầu và tiểu đêm. Cũng giống như bà Hoa, nhiều người bị bệnh mạn tính đã tìm đến các loại trà thảo dược với mong muốn có thể điều trị bệnh như gia đình anh Nguyễn Xuân Nguyên ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. “Ở gia đình tôi có người cao huyết áp, người mỡ máu, người bị tiểu đường nên dùng nhiều loại trà ứng với công dụng của mỗi loại như trà mướp đắng, atiso, giảo cổ lam, nụ hoa tam thất, lá thìa canh”.

Theo Lương y Chu Giang Phong- phụ trách phòng khám Đông Y ở phố Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội, trà thảo dược, thảo mộc vốn được coi là thức uống lành tính có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Song, việc uống trà thảo dược một cách thường xuyên, thay cho nước lọc hằng ngày như những trường hợp trên vô hình chung lại gây hại cho sức khỏe. “Mỗi loại thảo mộc đều có đặc tính, lý tính về dược học, có thành phần hóa học riêng, trà không thể phát huy tác dụng nếu không có sự phối hợp của các hoạt chất với nhau. Vì vậy, trà thảo dược cũng như là thuốc, không nên lạm dụng. Thực tế trên thị trường không có loại trà thảo dược nào được giới chuyên môn thừa nhận là có nhiều tác dụng như những lời quảng cáo” – Lương y Chu Giang Phong cho biết.

Vị Lương y này còn cho rằng, thuốc hay những bất cứ thứ gì khi đưa vào cơ thể đều phải theo nguyên tắc của bổ pháp là thiếu đâu thì bù đó, cần gì thì mới uống. Nếu bổ sung quá nhiều một loại chất mà cơ thể đang thừa sẽ làm hại thận, hại gan, gây suy thận. Thực tế khám lâm sàng đã có không ít trường hợp như vậy. "Ngay như trà giảo cổ lam tốt cho người bệnh huyết áp nhưng chỉ trong một giai đoạn bệnh nào đó thôi và cũng chỉ định đối với người có chỉ số huyết áp là bao nhiêu mới được dùng chứ không phải cứ huyết áp cao là đều có thể dùng được” – Lương y Chu Giang Phong cảnh báo.

Hiện nay, trên thị trường bán rất nhiều loại trà thảo dược, để tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng khi mua sản phẩm cũng cần phải xem tem nhãn đã được cấp phép của cơ quan chức năng hay chưa, hạn sử dụng và khuyến cáo đối tượng sử dụng…