GS.TSKH Phùng Đắc Cam, chuyên gia đầu ngành về vi sinh lâm sàng VN, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho rằng, qua vụ việc tiêm nhầm hy hữu này cho thấy năng lực của y tế cơ sở rất có vấn đề.
Về nguyên tắc 2 loại vaccine khác nhau không được để cùng nhau, trước khi tiêm yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ tiêm chủng là phải kiểm tra lại loại vaccine định tiêm cho trẻ hoặc đối tượng đến tiêm chủng, thậm chí có thể dùng bút dạ hoặc bút màu để đánh dấu các loại vaccine. Nhưng rất đáng tiếc cán bộ tiêm chủng tại điểm tiêm ở xã Yên Sơn đã không tuân thủ nguyên tắc này. Đây là sự tắc trách về mặt trách nhiệm, giống vụ việc tiêm nhầm đã từng xảy ra tại Quảng Trị vào năm 2013.
Cùng quan điểm với GS.TSKH Phùng Đắc Cam, Ths.BS Nguyễn Hồng Hà-nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Phó CT Hội truyền nhiễm VN nhìn nhận, sự cố xảy ra là do sự cẩu thả của cán bộ tại điểm tiêm chủng.
2 lọ vaccine tương đối giống nhau cả về kích thước và màu sắc, nếu làm đúng quy trình trước khi tiêm cán bộ y tế phải thực hiện nguyên tắc 3 kiểm tra, 5 đối chiếu (nguyên tắc nằm lòng đối với cán bộ y tế, đặc biệt là những cán bộ thường xuyên làm công tác tiêm chủng). Thông báo cho đối tượng tiêm chủng về loại vaccine sẽ được tiêm, cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vắc xin trước khi tiêm chủng…Tuy nhiên những nguyên tắc này đã không được thực hiện.
Cả 2 chuyên gia đều cho rằng, đây là sự cố rất nghiêm trọng. Hiện vẫn chưa rõ lượng vaccine tiêm vào mỗi cháu là bao nhiêu nên chưa thể biết ảnh hưởng của thuốc với trẻ như thế nào.
“Chưa có nghiên cứu khoa học và thực tiễn nào trên thế giới về vaccine Covid-19 với trẻ dưới 5 tuổi nên không thể đưa ra đánh giá ảnh hưởng của vaccine đối với trẻ”- GS.TSKH Phùng Đắc Cam cho biết.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa có khuyến cáo tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi nên theo Ths.BS Nguyễn Hồng Hà, việc quan trọng bây giờ là giải quyết hậu quả. “Cần theo dõi xem ảnh hưởng của thuốc tới các cháu như thế nào. Nếu sức khỏe trẻ ổn định, không có biến chứng thì sau 10 ngày có thể cho trẻ về nhà và tiếp tục theo dõi tại nhà”-Ths.BS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh, khi sức khỏe của trẻ ổn định thì nên đánh giá kháng thể với virus SARS-CoV-2 xem trẻ có miễn dịch hay không và cần theo dõi lâu dài để phòng biến chứng viêm cơ tim ở trẻ.
Liên quan đến sự việc hy hữu này, tối 5/11 Bộ Y tế có văn bản số 9439/BYT-DP đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định để đảm bảo an toàn tiêm chủng, trong đó nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình tổ chức tiêm chủng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra vi phạm.