Theo ghi nhận của PV VOV2 tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện có nhiều bệnh nhi mắc ho gà có biến chứng đang được các bác sĩ chăm sóc và điều trị tích cực. Trường hợp con của chị Đào Thị Trang ở Thái Bình là một ví dụ. Cháu mới được hơn 2 tháng tuổi nhưng đã phải nằm viện gần 1 tháng vì bệnh ho gà. Mới đầu cháu chỉ có biểu hiện khò khè nhẹ, chị Trang đưa con đi khám và điều trị ở bệnh viện huyện với chẩn đoán viêm phế quản. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của cháu không thuyên giảm mà ngày trở nặng, phải chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh rồi Bệnh viện Nhi TƯ để điều trị.
"Cháu ho nhiều quá, chẩn đoán ở tỉnh là viêm phổi. Lên đây chụp x quang thì bác bảo bị viêm phế quản phổi chục ngày. Sau đó cho cháu đi xét nghiệm ho gà thì chuyển sang khoa truyền nhiễm. Có nhiều lúc nó ho mà cong cả người lại, ho không dứt, càng khóc càng ho… Trước đây chưa nghe đến bệnh ho gà mà chỉ biết là ho thôi, lên đây mọi người bảo là ho gà rất khó chữa” - chị Trang chia sẻ.
Không riêng con của chị Trang, đa số các bệnh nhi mắc ho gà thường bị nhầm lẫn sang các bệnh đường hô hấp khác. Chỉ đến khi tình trạng bệnh tiến triển nặng, ho kéo dài, người tím tái, thực hiện xét nghiệm ho gà mới phát hiện ra bệnh. Theo các bác sỹ, đa số trẻ mắc ho gà đều dưới 3 tháng tuổi, đây là những trường hợp trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng ho gà nên chưa có kháng thể chống lại bệnh.
Bên cạnh đó, cũng ghi nhận những bệnh nhi lớn tuổi mắc ho gà. Theo TS BS Đỗ Thị Thúy Nga – Phó trưởng Khoa Nội tổng quát, TT Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi TƯ nguyên nhân có thể do những trẻ lớn chưa tiêm đủ các mũi vaccine nhắc lại nên hệ miễn dịch bị suy yếu và mắc bệnh.
“Mới đây chúng tôi tiếp nhận 1 bệnh nhi 11 tuổi nhập viện với những cơn ho kéo dài, ho rít từng cơn…theo gia đình chia sẻ thì gia đình chỉ tập trung tiêm vaccine cho con đến khoảng 2-3 tuổi, còn về sau thì cũng không nhớ để tiêm những mũi nhắc lại. Thì khi đến tuổi đi học thì kháng thể có thể đã suy giảm và trẻ hoàn toàn có thể bị mắc ho gà…” - BS Đỗ Thị Thúy Nga cho biết.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2019 được đánh giá là đỉnh dịch ho gà với khoảng hơn 400 ca nhập viện điều trị. Các năm sau đó, số lượng ho gà giảm rõ rệt, chỉ 10-15 ca một năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số lượng ca mắc ho gà nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi TƯ tăng vọt lên 40 ca. Trong đó, Hà Nội có 24 ca. Còn trên cả nước, ghi nhận gần 70 trường hợp, chủ yếu tại miền Bắc. TS Nguyễn Văn Lâm nhận định, năm nay tỷ lệ bệnh nhân mắc ho gà tăng mạnh và có thể tương đương với năm 2019.
Ho gà dễ biến chứng nguy hiểm
Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên, bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi của người bệnh khi hắt hơi, ho. Chính vì vậy, bệnh ho gà ở trẻ nhỏ rất dễ lây lan khi ở cùng một không gian như trường học, nhà ở... Nhất là khi thời tiết thường xuyên ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn Bordetella pertussis sinh sôi và phát triển nhanh chóng, dễ gây thành dịch.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Ho gà có khả năng lây lan rất cao; đối với trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà, bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh, ở trẻ sơ sinh tỉ lệ tử vong lên đến 90%. Điều đáng lo ngại là bệnh ho gà có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 1-2 tuần; lại khó nhận biết sớm”.
Một số biến chứng nguy hiểm trẻ mắc ho gà có thể gặp phải như: Viêm phổi nặng là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng.
Trẻ mắc ho gà có thể bị biến chứng viêm não với tỷ lệ tử vong cao; biểu hiện thường là trẻ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật.
Trẻ mắc ho gà còn có thể gặp các biến chứng như: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng; trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi…
Để nhận biết bệnh ho gà, TS Nguyễn Văn Lâm cho biết, trẻ thường khởi phát bởi những cơn ho, sau đó ho nặng dần, ho rũ rượi, có thể có tím, ngừng thở trong cơn. Sau cơn ho, trẻ xuất hiện thở rít. Một số trường hợp trẻ ho kèm nôn ra thức ăn và đờm trắng dính khiến trẻ rất mệt, khó chịu. Cơn ho cứ tiếp diễn như vậy, kéo dài 1, 2 tháng thậm chí 3 tháng làm cho trẻ kém ăn, bỏ bú và có thể gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.
Làm gì để phòng ngừa ho gà cho trẻ?
Theo các bác sĩ, ho gà là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng có thể dự phòng được bằng vaccine. Bố mẹ cần cho trẻ tiêm vaccine ho gà khi trẻ được 2 tháng tuổi và tiêm 2 mũi tiếp theo (lúc trẻ 3 và 4 tháng tuổi), mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Khi trẻ 18 tháng, tiêm nhắc lại cho trẻ một mũi. Sau đó 3-5 tuổi nhắc lại mũi nữa.
Đến tuổi vị thành niên hoặc trước khi sinh đẻ cũng nên tiêm phòng ho gà. Việc này không chỉ giúp bảo vệ người mẹ mà còn có khả năng bảo vệ em bé khi chào đời, giảm nguy cơ mắc ho gà trong giai đoạn trẻ sơ sinh.
Ngoài tiêm phòng ho gà, theo các bác sĩ, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, bố mẹ nên dạy trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở sạch sẽ; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà…