Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 7 đã ghi nhận 7.823 ca mắc tay chân miệng mới, trong đó có 2.370 ca phải nhập viện điều trị và 212 ca nặng (chiếm 8,95%). Ngành y tế dự báo, số ca mắc và ca nặng sẽ tiếp tục tăng. Hiện nay, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ ca nặng từ các tỉnh thành chuyển đến TP.HCM chiếm khoảng 80%. Tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 6 trẻ tử vong đều có hộ khẩu ở các tỉnh khác.

Trước tình hình này, trong cuộc giao ban với các Trung tâm y tế, bệnh viện quận huyện và trạm y tế phường xã, ngành y tế thành phố yêu cầu cần tổ chức tập huấn lại cho các giáo viên, bảo mẫu của các trưởng mầm non, nhóm trẻ về các biện pháp phòng bệnh, phát hiện sớm dấu hiệu nghỉ ngờ và dấu hiệu chuyển nặng của bệnh tay chân miệng.

Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và các Trung tâm y tế quận huyện phối hợp với Phòng Giáo dục thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện của các trường, các nhóm trẻ trên địa bàn.

Về công tác thu dung, điều trị, Sở Y tế đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó dịch tay chân miệng với 3 tình huống. Hiện nay TP đang ở tình huống thứ 2 (50-100 ca nhập viện mới/ngày, 200-700 ca điều trị nội trú, 20-70 ca nặng ứng với quy mô giường bệnh là 700 giường, trong đó có 80 giường hồi sức tích cực). Tuy nhiên Sở Y tế TP lo ngại khi số thuốc dự trữ dự kiến không đủ đáp ứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh và TP luôn phải tiếp nhận người bệnh nặng từ các tỉnh chuyển đến như hiện nay.

Cụ thể, số lượng thuốc IVIG dùng mỗi ngày tăng từ 80-150 lọ (từ ngày 7 đến 13-7) và tăng lên đến xấp xỉ 200 lọ thuốc (từ 13-7 trở đi) và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi lượng tồn IVIG tại các bệnh viện hiện khoảng 2.400 lọ, và dự kiến đến cuối tháng 8 tới mới có đợt thuốc IVIG nhập khẩu tiếp theo. Trước tình hình trên, chắc chắn ngành y tế TP có nguy cơ thiếu IVIG trong khoảng thời gian từ cuối tháng 7-2023 trở đi, nếu số lượng bệnh nhi nặng như giai đoạn hiện nay.

Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế phân công cho các bệnh viện tuyến cuối của một số tỉnh, thành có năng lực tiếp nhận điều trị bệnh tay chân miệng như Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai..., nhằm đảm bảo các ca bệnh nặng được điều trị sớm và công tác chuyển bệnh được an toàn, hiệu quả.

Sở cũng kiến nghị Cục Quản lý dược sớm phê duyệt các đơn hàng nhập khẩu thuốc IVIG nếu có, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế sớm có chỉ đạo và giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng cho các tỉnh phía Nam.