Mưa mù và nồm ẩm là trạng thái thời tiết phổ biến tại miền Bắc. Nồm ẩm thường xảy ra vào thời điểm giao mùa nhưng cao điểm nhất là trong tháng 2 này. Theo số liệu quan trắc của PamAir, độ ẩm không khí ở khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận có thời điểm đạt độ bão hòa, 99-100%.

Nhiều khu tập thể ở Hà Nội vốn đã chật hẹp, ẩm thấp lại càng nên ướt át, khó chịu hơn trong những ngày này. Người già, trẻ nhỏ luôn cảm thấy mệt mỏi vì thời tiết. "Mấy hôm nay mệt mỏi, chân thì nhức hơn, mắt cũng kiểu hơi rộp rộp, nói chung thời tiết khó chịu"- bà Nguyễn Thị Hồng, sống tại khu tập thể phường Nghĩa Tân, Hà Nội cho biết.

Độ ẩm cao kéo dài suốt cả tuần nên quần áo không thể hong khô, tủ sấy quần áo của gia đình anh Phạm Quang Hiệp ở khu tập thể Nghĩa Tân, Hà Nội sử dụng hết công suất. "Thời tiết rất là khó chịu, ẩm ướt, cơ thể khó chịu, quần áo không thể khô được, phơi 2-3 ngày cũng không khô, còn các cháu thì về đường hô hấp ảnh hưởng rất là nhiều" - anh Hiệp than thở.

Theo khoa học thì độ ẩm lý tưởng đối với sức khỏe con người nằm trong ngưỡng từ 55-65%. Khi độ ẩm không khí cao sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống và đặc biệt là sức khỏe. BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, tình trạng thời tiết này không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày mà còn làm tăng nguy cơ té ngã, đặc biệt là ở người cao tuổi khi bề mặt sàn nhà, cầu thang... trở nên ẩm ướt và trơn trượt. Hệ cơ xương khớp, khả năng phản xạ và giữ thăng bằng của người cao tuổi đều đã suy yếu nên rất dễ xảy ra té ngã. Lúc này, chỉ với những cú té ngã hoặc va chạm nhẹ cũng có thể dẫn đến gãy xương, gãy đốt sống, chấn thương sọ não...

Ngoài ra, nền nhiệt độ thay đổi rõ rệt trong ngày kết hợp với độ ẩm cao như hiện nay thì trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh nền là những người có hệ miễn dịch yếu, sức chống chọi với vi khuẩn, virus kém, do đó dễ nhiễm bệnh về đường hô hấp. Cụ thể là viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang. Người có bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tim mạch cũng dễ khởi phát triệu chứng.

Bên cạnh các bệnh hô hấp thì tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cũng gia tăng. Vậy có sự liên quan nào giữa thời tiết nồm ẩm và nhiễm trùng tiêu hóa? BS Nguyễn Đặng Khiêm phân tích: độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển rất nhanh đặc biệt đối với đồ ăn không được bảo quản. Bề mặt không được vệ sinh cũng dễ dẫn đến tình trạng vi khuẩn sinh sôi phát triển.

Bác sĩ Khiêm khuyến cáo vào những ngày nồm ẩm, các gia đình có thể xem xét sử dụng máy hút ẩm, đóng kín cửa để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí 40-60% là tốt nhất. Sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước gây ẩm ướt và trơn trượt, nguy hiểm khi di chuyển, do đó nên lau thường xuyên bằng khăn khô có khả năng hút ẩm tốt.

Người dân khi ra ngoài trong thời tiết nồm ẩm, mưa phùn cần chú ý giữ ấm tay, chân, cổ, tránh để những bộ phận này nhiễm lạnh; mang theo các vật dụng che mưa như ô, áo mưa, cố gắng không để bị ướt. Nếu bị ướt, bạn cần nhanh chóng thay sang quần áo khô và làm ấm cơ thể ngay bằng cách uống nước ấm, uống trà gừng. Việc mặc quần áo ướt lâu sẽ khiến hơi lạnh ngấm vào người, dễ gây bệnh hô hấp, thậm chí viêm phổi.

Mặt khác, mỗi người cần đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu như đạm, đường, chất béo lành mạnh, vitamin, khoáng chất và uống đủ nước. Duy trì việc luyện tập thể dục để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể - BS Khiêm nhấn mạnh.