Trường hợp thứ nhất là ông H.V. Đ, nam, 41 tuổi, ở Hải Phòng. Ông Đ. bị chấn thương khi đang chế tạo pháo và được đưa đến viện trong tình trạng hàm mặt xây xát, mắt 2 bên đau, nhìn mờ, tay phải dập nát ngón 3,4,5, đầu chi xẹp tím lạnh, vết thương phần mềm ô mô cái 5cm bờ nham nhở, xây xát bìu và đùi 2 bên. Phim chụp Xquang cho thấy gãy xương các đốt ngón 4,5 tay phải.

Ông Đ. đã được mổ cấp cứu, sửa mỏm cụt ngón 3,4,5, xử lý vết thương phần mềm gan tay, khâu vết thương bìu và hiện được theo dõi, điều trị tại khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.Q.T, nam, 15 tuổi, ở Hà Nội. Ngày 7/1, T. cùng bạn tự chế tạo pháo, trong khi bạn của T. cạo bột từ hộp que diêm thì T. lấy bột đã để đốt. Không may pháo phát nổ khiến T bị chấn thương. Ngay sau đó em được người nhà chuyển đến bệnh viện huyện sơ cứu và 3h sáng ngày 8/1, được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Bác sỹ Đoàn Lê Vinh - Khoa Phẫu thuật Chấn thương chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bệnh nhân T. vào viện trong tình trạng: tỉnh táo, hàm mặt sưng nề; giảm thị lực mắt phải, chấn thương đụng dập nhãn cầu và tổ chức hốc mắt phải, tay trái dập nát ngón 1 đến xương bàn, dập nát ngón 2,3 đến đốt 1, dập nát ngón 4 đến đốt 2, lóc da phức tạp gan tay và mu tay. Phim chụp xquang cho thấy gãy phức tạp nhiều xương bàn tay trái.

Bệnh nhân đã được mổ cấp cứu, sửa mỏm cụt ngón 1 đến 4, xử lý da lóc bàn tay và chuyển sang Bệnh viện Mắt Trung ương để xử lý chất thương mắt.

Trước đó, ngày 5/1, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân D.T.H (nam, 15 tuổi, ở Hải Dương) đa chấn thương do chế tạo pháo.

Các bác sĩ khuyến cáo, tai nạn do pháo rất hay gặp trong dịp trước và trong Tết nguyên Đán. Phần lớn nạn nhân là thanh thiếu niên, nhiều trường hợp để lại hậu quả rất đáng tiếc. Do đó mọi người dân cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, đặc biệt không tự ý mua thuốc về quấn pháo vì không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân còn cho những người xung quanh.