Trả lời câu hỏi về cơ chế cho doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân tham gia mua vắc xin, vấn đề kiểm soát chất lượng vắc xin khi nhập khẩu, thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, doanh nghiệp có thể huy động tiền đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 hoặc trực tiếp nhập khẩu vắc xin từ nguồn tin cậy.

Tuy nhiên, do được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên chất lượng vắc xin được nhà sản xuất đảm bảo nhưng phản ứng và hiệu quả còn cần được tiếp tục theo dõi.

Thêm vào đó, có những vắc xin được bảo quản trong điều kiện rất ngặt nghèo, (bảo quản nhiệt độ âm 75 độ). Đặc biệt, do được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên vắc xin khi về Việt Nam việc kiểm soát chất lượng không thực hiện theo những tiêu chí thông thường mà phải chấp nhận những vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp chứng nhận hoặc do một số nước châu Âu, Mỹ, Nga chứng nhận.

“Do đó, ta kiểm soát chất lượng bằng việc mua trực tiếp với nhà sản xuất, không mua qua các công ty trung gian, vì khi về không kiểm định được 100%, hoặc nhà sản xuất ủy quyền trực tiếp bằng văn bản, mua trực tiếp" - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Về tiến độ tiêm vắc xin của Việt Nam, ông Trương Quốc Cường thông tin, về cơ bản, đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được đủ số lượng 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho 70% người từ 18 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, khi nhập khẩu phải ký cam kết miễn trách nhiệm khi sử dụng vắc xin trong trường hợp có sự cố xảy ra. Thêm vào đó, các công ty đều bắt chúng ta thỏa thuận chấp nhận trường hợp nhà sản xuất giao hàng không đúng tiến độ. Sở dĩ có thỏa thuận này bởi Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh.

Từ tháng 8 trở đi, các nguồn vắc xin Việt Nam đã đặt mua sẽ về đều. Hiện nay, chúng ta đã mua được 170 triệu liều vắc xin nhưng phải chấp nhận khả năng không được giao hàng đúng tiến độ và không đầy đủ.