Khơi thông nguồn lực cho thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch việc tổ chức hoạt động văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được thường xuyên, hiệu quả, do thiếu thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở. Tại phiên chất vấn, đại biểu, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã nêu ra vấn đề này và đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp đột phá nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, bên cạnh việc cần nâng cao hơn nữa chất lượng của các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, các thiết chế được đầu tư, xây dựng ở vùng đồng bào dân tộc không xây thì bị thiếu, nhưng xây thì sử dụng chưa hiệu quả. Theo Bộ trưởng những bất cập này, cần có giải pháp mang tính chất căn cơ, thuộc về thể chế. Cụ thể, thiết chế văn hóa thuộc về tài sản công, Luật Quản lý tài sản công được thể hiện như thế nào, được khai thác ra sao thì cần được bàn rõ? Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có điều kiện tổ chức thực hiện, nhất là phát huy đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn thời gian tới cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tập trung nguồn lực Nhà nước và huy động thêm nguồn lực khác để xây dựng, trong đó có nguồn lực to lớn là sự đồng thuận của nhân dân. Có như vậy mới phát huy được tác dụng của thiết chế văn hóa ở cơ sở.
Bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Có thể nói thiết chế văn hóa có vai trò vô cùng quan trong trong các hoạt động bảo tồn, gìn giữ văn hóa của các dân tộc. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có hẳn một dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số để bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào các dân tộc. Bên hành lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng cần tận dụng thế mạnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển du lịch, sinh kế, nâng cao đời sống cho bà con. “Văn hóa và du lịch cần phải thẩm thấu trong đời sống hàng ngày cũng như quá trình phát triển kinh tế xã hội. Cho nên phải khai thác khía cạnh để ngoài việc phát huy các giá trị văn hóa thì người dân có thể tạo ra thu nhập. Ví dụ như du lịch sinh thái, du lịch về các bản làng. Đây là cơ hội để đồng bào giới thiệu văn hóa của mình cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu nhận thấy, du lịch di sản đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế nhiều di sản đã được khai thác tối đa giá trị kinh tế khiến nhiều điểm tham quan di tích quá tải, lộn xộn, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm.
Các di sản văn hóa khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình hàng hóa hóa di sản, quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, không theo chu kỳ hoạt động mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách. Để làm tốt được điều này cần xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bởi đây chính là nguồn sinh kế bền vững cho đồng bào.
Tuy nhiên, tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng lo ngại bên cạnh những tiềm năng để phát triển du lịch thì ở một số tỉnh vùng cao đã xuất hiện tiêu cực, lạm dụng trẻ em để biểu diễn, thương mại tại các phiên chợ.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: "Việc đưa trẻ em ra biểu diễn như vậy là trái luật, sử dụng trẻ em không đúng. Các địa điểm đó cũng không phải nơi để tổ chức biểu diễn. Trách nhiệm các địa phương phải chấn chỉnh việc này".
Theo Bộ trưởng: "Các cơ quan phải tuyên truyền, giáo dục luật bảo vệ trẻ em. Ai sử dụng không đúng cũng cần nhắc nhở. Nếu trẻ em có năng khiếu, đề nghị địa phương đưa các em vào đơn vị đào tạo, bồi dưỡng để sau này phát huy tài năng của các em. Mặt khác, cần xây dựng chợ văn mình. Ông cho biết thêm: "Trách nhiệm của bộ khi có những phản ánh về hoạt động không văn minh sẽ cùng các địa phương có biện pháp chấn chỉnh".
Bao giờ có cơ chế cho vận động viên thành tích cao?
Liên quan đến tiêu cực trong thể thao thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là vấn đề nhức nhối của ngành, cụ thể là vấn đề bữa ăn của vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang tập huấn không được đảm bảo và vụ việc bớt xén tiền thưởng ở đội tuyển thể dục dụng cụ. Bộ trưởng cho biết, khi phát hiện ra, Bộ đã kiên quyết xử lý, thực hiện phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là không có ngoại lệ, làm nghiêm theo quy định. Bộ đã xử lý kỷ luật bằng phương pháp hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm, đủ điều kiện thì sẽ xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật.
"Chúng tôi không có chuyện bao che, dung túng cho việc này. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho hay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho rà soát, chấn chỉnh. Bộ đã sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý đội tuyển, trong đó nêu rất rõ từng điều khoản chương mục từ tập luyện đến công tác quản lý. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý cũng được yêu cầu tăng cường, vì lâu nay mới quan tâm vào chất lượng, thành tích, còn ít kiểm tra về tuân thủ chế độ, chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên.
Bên cạnh vấn đề này, nhiều đại biểu cũng nêu thực trạng các vận động viên lo lắng về việc làm sau khi giã từ sự nghiệp vì thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn. Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi về giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên, đặc biệt là vận động viên gặp chấn thương?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm về thể thao với các nghị quyết, chiến lược, đề án thực hiện. Theo đó, Chính phủ ban hành 8 chính sách để hỗ trợ vận động viên thể thao thành tích cao, đào tạo ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng… từ đó động viên đội ngũ thể thao thành tích cao.
Tuy nhiên, bộ trưởng nhìn nhận để giải quyết việc làm có tính căn cơ cho vận động viên còn khó khăn. Đó là trình độ đào tạo và nghề nghiệp của vận động viên chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian thi đấu, nghề nghiệp đó có thể chưa thích hợp với vận động viên… Vì vậy không phải vận động viên nào cũng vào các cơ quan sự nghiệp để làm việc và thi đấu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết đang đề xuất Chính phủ đánh giá tổng thể các chính sách vừa qua, tạo thuận lợi nhất cho vận động viên yên tâm thi đấu, làm việc theo đúng sở trường lâu dài, bao gồm chính sách tiền lương, nhà ở và đào tạo nghề sau quá trình thi đấu.
Trong khuôn khổ Phiên chất vấn này, các vấn đề về Du lịch như phát triển du lịch “đêm”, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đầu tư du lịch cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được nhiều đại biểu đưa ra. Với tinh thần cầu thị nghiêm túc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lắng nghe và trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm, trọng điểm các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Các vấn đề thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ được tiếp tục được các đại biểu chất vấn trong buổi sáng mai.