Việc dùng bữa phụ sẽ theo những kiểu khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của từng người. Với gia đình chị Lê Thị Hảo ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, việc ăn uống đảm bảo sức khỏe lại càng được chú trọng trong thời gian này. Mẹ chị Hảo năm nay ngoài 80 tuổi vừa phải nằm viện điều trị Covid-19. Do tuổi cao lại có nhiều bệnh nền nên khi mắc Covid-19, mẹ chị rất mệt, phải truyền đạm. Chính vì vậy, để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho bệnh nhân, gia đình cũng đã chuẩn bị thêm bữa phụ rồi nhờ người chuyển vào viện. “Thấy bà yếu quá nên có làm thêm yến, sữa, bánh hạt, có hôm xay sữa hạt tươi, nước trái cây tươi cho bà, cố gắng hết sức vì dịch bệnh phải ở trong khu cách ly nên không thể vào để chăm sóc được nhiều”- chị Hảo nói. Sau vài tuần điều trị trong bệnh viện, sức khỏe của mẹ chị Hảo đã tiến triển tốt và được xuất viện trở về nhà. Trước khi ra viện, bác sĩ cũng không quên dặn cho gia đình chăm sóc bữa ăn cho người bệnh, trong đó có bữa ăn phụ để giúp người bệnh dễ ăn và dễ hấp thụ hơn.

Còn đối với gia đình chị Trần Minh Phương - 28 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cả nhà có 5 thành viên đủ mọi độ tuổi nên chế độ dinh dưỡng phải luôn đầy đủ và hợp lý, trong đó không thể thiếu bữa phụ. “Bữa phụ rất cần thiết, như bà nhà mình, mắc bệnh tiểu đường ăn bữa sáng và bữa chiều, ăn nhỏ từng bữa, gồm các loại hạt, hoa quả và sữa, bản thân mình ăn theo chế độ Eat clean nên cũng ưu tiên các bữa phụ. Chủ yếu là sữa hạt và hoa quả, đôi khi có chút bánh sữa chua tự làm”.

PGS-TS-BS Nguyễn Xuân Ninh - Trưởng Phòng khám Dinh dưỡng VIAM- Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng VN cho rằng, trong chế độ dinh dưỡng khoa học giúp nâng cao sức khỏe thì bữa ăn phụ đóng vai trò rất quan trọng. Bữa ăn phụ bổ sung cho bữa ăn chính, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, phòng tránh được nhiều bệnh, đặc biệt phù hợp với sinh lý của hệ tiêu hóa. “ Thông thường thức ăn của bữa chính được lưu ở dạ dày khoảng 2-3 tiếng, còn bữa sáng với phở, bún, sữa... thì chỉ 1 giờ sau đã tiêu hết. Khi cơ thể làm việc nhiều, tiêu nhiều năng lượng, gây cảm giác đói mệt, có thể hạ đường huyết do vậy, phát sinh nhu cầu muốn ăn hoặc phải ăn một cái gì đó (tầm 10h sáng hoặc 4-5h chiều). Do vậy, phù hợp nhất là sau ăn chính khoảng 3-4h phải có bữa ăn phụ để hỗ trợ bữa ăn chính”- BS Nguyễn Xuân Ninh lý giải.

Ngoài 3 bữa chính, mỗi người nên có từ 2-3 bữa phụ. Ngoài ra, một số người hoạt động thể lực nặng, tập thể thao, vận động viên... nhất thiết phải có bữa ăn trước và sau tập, rồi người bệnh đái tháo đường cũng phải ăn nhiều bữa nhỏ.

Với những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, bên cạnh bữa chính, bữa phụ cần được đặc biệt quan tâm. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Ninh: “Người mới khỏi bệnh Covid-19 vẫn còn mệt mỏi, các cơ quan như tiêu hóa, hô hấp, tim mạch đang trong quá trình hồi phục thì việc ăn uống cũng cần chú ý, như: không nên ăn bữa lớn ngay mà ăn nhiều bữa nhỏ, có chất lượng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, hấp thu tối đa, không làm cơ thể mệt mỏi quá sau khi ăn”.

Theo tư vấn của BS Ninh, những người đã từng mắc Covid-19, cần lựa chọn thực phẩm cho bữa phụ một cách phù hợp, đủ dinh dưỡng cũng như dễ ăn và dễ hấp thu. “Các món phụ nên chọn lựa là 1 cốc sữa, 1 hộp sữa chua, 1 miếng hoa quả (hoặc cốc sinh tố) dễ tiêu, phù hợp khẩu vị, nửa bát chè-cháo đậu đen, đậu xanh; 1 miếng bánh cắt, bánh mỳ ngọt nhỏ dễ tiêu, hoặc cốc thực phẩm bổ sung... có năng lượng bằng khoảng 150-250 Kcal, bằng 10-15% tổng lượng cả ngày”.

Thực đơn bữa phụ được coi là lành mạnh cần chú ý đến các nguyên tắc chung và nguyên tắc riêng. Nguyên tắc chung là nên cân đối, bữa phụ nên có nhóm tăng cường năng lượng, có protein, có Carbon Hydrat, chất xơ. Chẳng hạn như mộc cốc sữa, một hộp sữa chua, một bát chè đậu đen, đậu xanh, hoặc một lát bánh mì với một ít phô mai, bắp ngô hay củ khoai là được.

Nguyên tắc riêng là tùy vào mỗi loại mục tiêu mà chúng ta chọn lựa những loại khác nhau, ví dụ như thanh niên hoặc người muốn tập tăng cơ thì bữa phụ phải khác người muốn tăng cân hoặc giảm béo, giảm cân… Còn có một nguyên tắc nên tránh đó là sử dụng nước ngọt có ga, cốc bia, cốc trà sữa làm bữa ăn phụ vì nó rất thiên lệch, chứa rất nhiều đường, đặc biệt là đường tinh chế vì nó làm tăng đường máu, mỡ máu, thậm chí làm tăng mỡ bụng lên rất nhanh.

Có nhiều người giữ thói quen ăn nhẹ vào tối khuya. Theo BS Nguyễn Xuân Ninh, ăn muộn cũng không hẳn xấu bởi nó tùy thuộc vào thói quen, nghề nghiệp. Ví dụ tập thể thao muộn, đi làm ca muộn về thì phải ăn muộn. Làm việc khuya thì bồi dưỡng bữa đêm. Trừ những người theo chế độ giảm cân, đang bị thừa cân béo phì thì nên hạn chế và không nên có bữa ăn muộn này.