Bệnh viện quá tải - bệnh nhân vẫn phải “chờ”
Trước cửa phòng chụp cộng hưởng từ, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Bạch Mai rất đông người bệnh kiên nhẫn ngồi chờ đến lượt khám. Bà Nguyễn Thị Tám ở Hải Phòng đến viện từ hôm qua nhưng hôm nay mới đến lượt chụp. “Tôi chờ từ chiều hôm qua, có người chờ từ sáng hôm qua. Máy móc không đầy đủ, không hoạt động được dẫn đến ùn tắc bệnh nhân” – Bà Tám than thở.
Anh Nguyễn Văn Quyết ở Mê Linh (Hà Nội) cũng có mặt ở bệnh viện Bạch Mai từ 5h sáng hôm qua để khám bệnh. Tuy nhiên, ngày đầu tiên, anh chỉ thực hiện được xét nghiệm máu, siêu âm, chụp phim X-quang, chụp sọ não. Còn chụp CT lồng ngực, anh được hẹn sang ngày thứ hai. Tuy nhiên, trong số những bệnh nhân ở đây, có người phải chờ đến ngày thứ 3 mới tới lượt.
Trao đổi với VOV2, PGS.TS Đào Hùng Hạnh – Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu BV Bạch Mai cho biết, mỗi ngày khoa tiếp đón khoảng 2.000 - 2.500 người bệnh. Thời gian qua, thiếu vật tư y tế, nhiều máy móc của bệnh viện đắp chiếu nên bệnh viện phải chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế khác để chụp chiếu, nội soi… hoặc người bệnh phải chấp nhận chờ đợi rất lâu, thậm chí hàng tuần mới được thực hiện. Đến nay, sau một tuần ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30, tình hình vẫn chưa được cải thiện.
“Hiện tại, người bệnh vẫn phải đến cơ sở y tế khác hoặc phải chờ đợi. Khi khám bệnh, chúng tôi rất cân nhắc về việc chỉ định xét nghiệm cho bệnh nhân, có cần làm xét nghiệm hay không, những trường hợp có thể sử dụng được kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của tuyến dưới thì tận dụng” – PGS-TS Đào Hùng Hạnh nói.
Còn tại Khoa Khám bệnh – BV Bạch Mai, TS-BS Nguyễn Thị Bích Ngọc Trưởng khoa cũng cho biết, trung bình một ngày khoa tiếp đón khoảng 4.500 bệnh nhân đến khám. Trong một số thời điểm, có những xét nghiệm cho bệnh nhân cũng phải tạm dừng vì không đủ vật tư, hóa chất.
Bệnh viện đang nỗ lực tháo “nút thắt”
Trong cuộc trao đổi với VOV2, PGS – TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã tháo gỡ rất nhiều nút thắt cho bệnh viện trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế và sử dụng máy móc, thiết bị liên doanh, liên kết, biếu tặng. “Hiện chúng tôi đang gấp rút tiếp tục triển khai các gói thầu mà trước đây tạm dừng vì những quy định cũ đồng thời khẩn trương làm các gói thầu mới để mua sắm được thiết bị, vật tư hóa chất để khẩn cấp phục vụ công tác khám chữa bệnh hiện nay”- PGS Đào Xuân Cơ nói.
Về các máy móc được đặt tại bệnh viện theo hình thức liên doanh, liên kết đang bị tạm dừng hoạt động, PGS.TS Đào Xuân Cơ thông tin, bệnh viện đang rà soát từng thiết bị để đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và độ chính xác trong chẩn đoán.
“Nghị quyết 30 của Chính phủ đã cho phép các thiết bị cho, biếu tặng, thiết bị liên doanh liên kết đã hết hợp đồng được đưa vào sử dụng để phục vụ người bệnh mà chưa cần phải làm sở hữu toàn dân. Đây là một sự “cởi trói” hết sức quan trọng đối với Bệnh viện Bạch Mai”. Cũng theo vị giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, các thiết bị hỏng hóc đang được tìm mua linh kiện thay thế và có thể sớm được sử dụng trở lại trong thời gian sớm nhất có thể.
Sau một thời gian dài thiếu thuốc men và vật tư y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cũng được tháo gỡ nhiều nút thắt trong việc mua sắm, đấu thầu các mặt hàng này. TS Nguyễn Thị Thanh Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết, Nghị quyết 30 cho phép trong đấu thầu vật tư, đồng ý các gói thầu báo giá dưới 3 nhà thầu. Lâu nay, các bệnh viện rất khó để kiếm đủ 3 nhà cung cấp với 3 mức giá khác nhau.
Vẫn còn những “khoảng trống”
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Thanh Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, hai văn bản mới ban hành cũng chỉ mới giải quyết được một phần chứ chưa triệt để những khó khăn, vướng mắc đang diễn ra trong thực tế tại các bệnh viện.
“Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình hiện đang có một máy CT mô phỏng hỏng nhiều tháng nay nhưng không sửa chữa được bởi vẫn phải làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình các cấp theo Luật Đấu thầu, Thông tư 68 của Bộ Tài chính. Nghị quyết 30 chỉ giải quyết nút thắt báo giá trong mua sắm trang thiết bị y tế mới mà không đề cập việc sửa chữa. Sau này kiểm toán thì rất khó khăn cho bệnh viện” – Bác sĩ Thanh Trung bày tỏ lo ngại.
BS Thanh Trung cho biết thêm, hiện nay Bệnh viện ĐK tỉnh Thái Bình đang thiếu một loại thuốc dùng trong phẫu thuật tim mạch. Mặc dù loại thuốc này đã được đấu thầu song nhà cung cấp thông báo cho bệnh viện vẫn chưa thể nhập khẩu về được.
Về vấn đề đấu thầu thuốc và vật tư, hóa chất, bác sĩ Thanh Trung cũng nêu những bất cập đang tồn tại mà Nghị quyết 30 chưa giải quyết được. Đó là sự ràng buộc về giá cả, đấu thầu phải lựa chọn được hàng rẻ nhất. Tuy nhiên, giá rẻ đôi khi lại đi kèm chất lượng không đảm bảo. Bên cạnh đó, các mặt hàng của ngành y tế có tính chất đặc thù, nhiều sản phẩm chỉ có một nhà cung cấp. Do đó, các bệnh viện khó có thể so sánh giá cả để biết được nhà cung cấp có báo giá sát với giá nhập khẩu hay không?
Về vấn đề này, bác sĩ Vi Hồng Kỳ - Giám đốc BVĐK huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La cũng chia sẻ những băn khoăn: “Nếu chỉ có một nhà cung cấp, khi họ đưa ra báo giá thì chúng tôi không có căn cứ xác định liệu giá đấy có đúng không hay có sự móc nối nâng cao giá sản phẩm? Giá nhập khẩu như thế nào thì mình không biết, nên không kiểm tra chéo được.” – BS Kỳ nói.
Cũng chung nỗi lo hậu kiểm, bác sĩ Đinh Hữu Hào – Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định (TP HCM) chia sẻ, Nghị quyết 30 và Nghị định 07 mới chỉ giúp tháo gỡ những khó khăn về trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, hành lang pháp lý an toàn cho các bệnh viện và người trực tiếp chịu trách nhiệm mua sắm, đấu thầu các mặt hàng này thì chưa thực sự được đảm bảo. “Những trang thiết bị đắt tiền như máy CT, MRI, Robot mà quy định theo hàng hóa thông thường thì rất khó. Ngành y lúc nào cũng phát triển, năm nay máy này sang năm máy mới. Mà những máy mới, mình mua đầu tiên thì đương nhiên đắt hơn so với sau đó, lại không nằm trong danh mục thì rất khó, đặc biệt là hậu kiểm. Hoặc sau đó, sữa chữa, thay thế linh kiện hãng báo giá bao nhiêu, mình phải chịu vậy thì không biết đến lúc kiểm toán sẽ như thế nào?” – BS Đinh Hữu Hào đặt câu hỏi.
Để giải quyết vấn đề này, theo BS Nguyễn Thị Thanh Trung - PGĐ BV Đa khoa tỉnh Thái Bình, cần có cơ quan kiểm soát giá đầu vào và thống nhất giá trên toàn quốc sau khi tính phần trăm lợi nhuận cho doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng thời giao quyền tự chủ cho các bệnh viện công lập, thanh toán thực thanh thực chi mà không cần đấu thầu.
“Cần phải coi thuốc và thiết bị vật tư y tế là mặt hàng đặc biệt, không thể coi như hàng hóa thông thường, không nên áp dụng đấu thầu như hiện nay ” - BS Thanh Trung nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thanh Trung, với tình trạng đấu thầu như hiện nay, nhiều khi cùng một loại thuốc mà mỗi tỉnh một giá khác nhau.Tuy nhiên, khi đã thông báo kết quả trúng thầu rồi thì không thể điều chỉnh được giá nữa. Chính sự chưa thống nhất này sẽ lại tiếp tục gây khó cho các bệnh viện khi làm việc với cơ quan BHXH.
Dẫu biết từ Nghị quyết đi vào cuộc sống cần có một khoảng thời gian, tuy nhiên, các bác sĩ đều mong muốn khoảng trống đó cần sớm được thu hẹp, đáp ứng kịp thời và hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.