Gần đây, bé Lê Hải Đăng, 4 tuổi ở Trung Liệt, Hà Nội thường khóc nhè mỗi khi đi tiểu. Anh Lê Việt Dũng – bố bé đưa đi bệnh viện khám. Sau khi bác sĩ kiểm tra bao quy đầu của bé, anh Dũng không thể ngờ bên trong có quá nhiều cặn trắng, thậm chí chảy thành dịch. Bác sĩ kết luận bé bị viêm nhiễm trong thời gian dài dẫn đến bị hẹp bao quy đầu mà nguyên nhân là do không được vệ sinh hằng ngày. “Bác sĩ hướng dẫn tôi vệ sinh cho con hằng ngày bằng cách, sau khi tắm thì lột bao quy đầu của con ra để rửa. Thực sự trước nay, tôi không nghĩ rằng phải lột ra như vậy, cứ tắm cho con xong là xong, nếu có lộn thì chỉ khi hồi con còn bé phải đóng bỉm thôi” – Anh Dũng chia sẻ.

BS Đinh Hữu Việt – Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, có khoảng 50-80% trẻ dưới 1 tuổi bị hẹp bao quy đầu sinh lý. Phần lớn sẽ tự khỏi khi lớn lên nhưng đáng tiếc là 10-20% trẻ trong số đó phát triển thành bệnh lý. Nguyên nhân chủ yếu là do cha mẹ vệ sinh cho con chưa đúng cách dẫn đến bộ phận sinh dục bị viêm nhiễm.

Ngoài ra, trẻ bị hẹp bao quy đầu còn vì hiện nay các gia đình thường đóng bỉm cho con trong thời gian dài. Bao quy đầu là cửa ngõ để nước tiểu đi qua, khi trẻ đóng bỉm, nước tiểu sẽ đọng lại trên bỉm lâu khiến cho tình trạng viêm nhiễm bị tái đi tái lại nhiều lần dẫn đến kết dính bao quy đầu, viêm ngược dòng lên trên, viêm mào tinh hoàn, viêm bàng quang hoặc viêm đường tiết niệu. “Chưa có nghiên cứu nhiều và chính thống tình trạng viêm nhiễm đó có ảnh hưởng đến sinh sản hay không nhưng để viêm kéo dài dẫn đến bí tiểu, có những người đến giai đoạn trưởng thành bị ung thư dương vật” – BS Đinh Hữu Việt cảnh báo.

Vì vậy, khi trẻ có các biểu hiện như: dương vật bị sưng đỏ, đi tiểu phải dặn, bí tiểu, trẻ quấy khóc mỗi khi đi tiểu, hay sờ và dứt bao bao quy đầu, đôi khi ngại đi tiểu vì mỗi lần đi bao quy đầu sẽ bị đau, sót… thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ. Nếu điều trị sớm, tình trạng viêm sẽ được cải thiện rõ rệt, bao quy đầu không còn hẹp và sưng, phù nề nữa, trẻ có thể trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là tình trạng viêm diễn ra từ từ, trải qua từ ngày này sang tháng khác, cứ tăng dần lên, bao quy đầu bị viêm và sơ dần dầy lên đến mức không thể tụt ra, trẻ cũng thích nghi với tình trạng như thế, không quấy khóc nhiều và đôi khi bố mẹ không để ý chuyện đó thì khi đến khám, bệnh đã trở nặng.

Tốt nhất là để sớm phát hiện bệnh của trẻ, cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra bao quy đầu của trẻ. “Có những phụ huynh hằng ngày tách bao quy đầu cho con nhưng lột quá mạnh tay dễ khiến cho bao quy đầu bị rách dẫn đến bị viêm, sơ dầy hơn thì độ hẹp lại tăng lên. Tuy nhiên, nếu phụ huynh bóc tách nhẹ nhàng quá thì lại không có tác dụng. Vì vậy, tốt nhất cha mẹ không nên tự tách bao quy đầu cho trẻ tại nhà mà nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể” – BS Đinh Hữu Việt lưu ý.

Tại cơ sở y tế, tùy vào tình trạng bệnh, mỗi trẻ sẽ có phương án điều trị bệnh khác nhau. Có trẻ chỉ cần động tác nhẹ nhàng, bong tách mà không cần can thiệp gì cả nhưng có trẻ nặng rồi thì cần can thiệp phẫu thuật sớm. Và việc phẫu thuật đòi hỏi phải gây mê, gây tê nên bác sĩ, phẫu thuật viên thực hiện phải là người có kinh nghiệm.

Để con bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục lâu ngày dẫn đến hẹp bao quy đầu ở trẻ - đó là điều không muốn của các bậc cha mẹ, song đừng vì sự vô tâm, không tìm hiểu để giữ sức khỏe cho trẻ dù là nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.