Nhiều người cho rằng, nếu bị chó cắn mà không phát bệnh ngay, nghĩa là đã thoát khỏi nguy hiểm. Nhưng thực tế không phải như vậy. Mới đây, trường hợp một người đàn ông ở Đắk Lắk tử vong sau hai năm bị chó cắn khiến không ít người hoang mang với câu hỏi: Vì sao sau một khoảng thời gian dài như vậy, bệnh dại mới phát tác?

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương – Trưởng văn phòng khống chế và loại trừ Bệnh dại Quốc gia trường hợp người bệnh tử vong vì dại sau nhiều năm bị chó mèo cắn không phải hiếm gặp. Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Từ các vết cào, cắn của chó mèo bị dại, virus vào da và đi từ từ đến não. Trường hợp ngắn nhất có thể phát bệnh sau 7-8 ngày, dài nhất có thể lên đến 3-4 năm.

“Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí vết cắn, mức độ rộng hay hẹp, nông hay sâu số lượng virus..." - TS Nguyễn Thị Thanh Hương phân tích.

Hiện tiêm vaccine là giải pháp duy nhất điều trị dự phòng bệnh dại. Nếu chẳng may bị động vật cào, cắn hoặc liếm lên vết thương hở cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của virus dại, tốt nhất là tiêm ngay trong ngày đầu tiên. Đặc biệt, nếu vết thương nặng hoặc ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, đầu các chi, bộ phận sinh dục... thì càng phải tiêm sớm nhất có thể.

Vaccine phòng dại thế hệ mới được sản xuất theo công nghệ mới, nuôi cấy trên tế bào Vero nên rất an toàn và không gây ra những phản ứng có hại đối với sức khỏe. Hiện nay, tại Việt Nam đang có 2 loại vaccine phòng dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Đây đều là những loại vaccine đã được kiểm định an toàn, khẳng định khả năng đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều.

Bên cạnh đó, TS Thanh Hương khuyến cáo tiêm phòng dại hàng năm cho chó, mèo là biện pháp phòng dại hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất. Theo các chuyên gia y tế, để đạt được hiệu quả miễn dịch, cần có ít nhất 70% vật nuôi trong khu vực được tiêm phòng dại. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở nước ta mới chỉ đạt 40%. Chính vì vậy cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương trong việc nâng tỷ lệ phòng bệnh dại trên đàn vật nuôi.