Vào trung tuần tháng 8, ngay sau khi công bố dịch sởi, TP.HCM đã tiến hành chiến dịch tiêm phòng vaccine sởi trên toàn thành phố. Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 7-10, đã có 98% trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vaccine sởi đã được tiêm. Tình hình dịch sởi có dấu hiệu giảm tuy nhiên mức độ còn chậm.
Ngoài TP.HCM, các tỉnh thành phía Nam khác như Đắk Lắk cũng đang ráo riết thực hiện tiêm phòng vaccine trước những diễn biến phức tạp của dịch sởi. ông Y Suôn Ênuôl – Phó Trưởng Trạm Y tế xã Cư Êbur, cho biết, 1 tháng qua xã đã ghi nhận 31 ca sởi. Bệnh nhân đầu tiên phát hiện tại trường mầm non Hoàng Anh, ở buôn Đung, sau đó lan ra 7 thôn buôn. Những ca bị bệnh sởi hầu hết chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Trạm y tế xã đã giám sát, khoanh vùng có trẻ mắc sởi và đẩy mạnh chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống bệnh.
“Từ tháng 8 đến bây giờ đã tiêm vét 7 thôn buôn với 363 trẻ trên 430 trẻ, đạt gần 85%. Hiện tại tiếp tục rà soát lại danh sách trẻ em chưa được tiêm sởi. Từ lúc mắc sởi tới giờ, mình đã sử dụng zalo, facebook và họp các thôn trưởng, họp dân và nhờ các công tác viên trực tiếp tuyên truyền, mình phát thanh trên loa đài của xã một tuần một lần, thời gian phát khoảng 10 phút”, ông Y Suôn Ênuôl nói rõ hơn.
Với tinh thần chủ động phòng dịch sởi, thành phố Hà Nội ngày hôm nay (14/10) cũng triển khai tiêm chủng tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Sẽ có khoảng 70.000 trường hợp được tiêm đợt này.
Phân tích về các lý do vì sao cần phải tiêm bổ sung mũi 2 vaccine sởi, bác sỹ Nguyễn Văn Thành, Trung tâm Tiêm chủng (BV Đại học Y Hà Nội) cho biết, theo chương trình tiêm chủng quốc gia, mũi 1 được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.
Nếu trẻ chỉ tiêm 1 mũi lúc 9 tháng tuổi thì hiệu quả bảo vệ chỉ được 85%, còn nếu tiêm đủ 2 mũi sẽ tăng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng lên đến trên 90%.
Công tác tiêm chủng cũng cần phải tiến hành đồng loạt, trên quy mô lớn toàn thành phố bởi Hà Nội là địa bàn đông dân và thông thường đi kèm sau bão sẽ là vấn đề dịch bệnh. Dịch sởi thường có quy luật 5 năm sẽ xuất hiện đỉnh dịch. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã để lại khoảng trông miễn dịch, nhiều trẻ đã bỏ lỡ hoặc chưa được tiêm đầy đủ vaccine sởi.
Chính vì vậy, các bố mẹ cần thiết thực hiện những khuyến cáo của ngành y tế trong dịp này.
Đối tượng được tiêm bổ sung vaccine sở bao gồm: trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ và trẻ ở lứa tuổi học đường từ 4 đến 6 tuổi vì nguy cơ nhiễm bệnh của nhóm trẻ này rất cao.
Bác sỹ Nguyễn Văn Thành, Trung tâm Tiêm chủng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng khuyến cáo: bố mẹ cần loại bỏ tâm lý trì hoãn, chờ xuất hiện dịch mới tiêm. Bởi nguy cơ phùng phát bệnh sởi luôn hiện hữu và hiệu quả tiêm vaccine sẽ không có ngay lập tức. Thông thường là từ 2-3 tuần, có vaccine mất cả tháng mới có miễn dịch. Nếu chần chừ thì trong nhiều trường hợp sẽ không kịp.
"Khi đi tiêm, bố mẹ cho trẻ ăn mặc phù hợp, ăn uống đầy đủ, mang theo sổ hoặc phiếu tiêm chủng, bố mẹ cũng cần nắm lịch sử mắc bệnh lý của con trong 2 tuần để trao đổi với bác sỹ. Sau tiêm, trẻ cần được theo dõi tại chỗ 30 phút và 24 giờ tại nhà. Với sởi, thông thường sẽ xuất hiện vết sưng, đỏ tại chỗ tiêm và sẽ hết sau vào phút, vài giờ cũng có trường hợp là 1 ngày", bác sỹ Nguyễn Văn Thành chỉ dẫn.
Xin mời nghe bài viết tại đây: