Sử dụng thuốc lá điện tử có thể gây nghiện, ung thư, ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng

Ở Việt Nam, trong khi hiện nay số người sử dụng thuốc lá truyền thống giảm thì lại gia tăng tỷ lệ người hút thuốc lá thế hệ mới. Đối tượng hút tập trung chủ yếu ở đối tượng thanh thiếu niên, học sinh và sinh viên.

Nghiên cứu của Viện chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế cũng cho thấy, có đến hơn 8% học sinh lớp 8 đến lớp 12 hút thuốc lá điện tử, tăng 40 lần so với năm 2005. Còn theo điều tra sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%).

Năm 2019, kết quả điều tra sức khỏe học đường cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm 13-17 tuổi nói chung là 2,6% và ở học sinh thành thị là 3,4%.

Theo Ths.BS Phạm Thị Lệ Quyên - TT Hô hấp BV Bạch Mai, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều gây tác hại đối với sức khỏe như thuốc lá truyền thống, thậm chí còn nguy hiểm hơn thế.

Các sản phẩm thuốc lá điện tử này đều chứa chất nicotine, là thuốc mà Hiệp hội thuốc và dược phẩm Hoa Kỳ xếp vào nhóm có khả năng gây nghiện mạnh như là chất ma túy. Một số sản phẩm thuốc lá điện tử chứa loại tinh dầu cần sa là chất gây nghiện, hoặc là vừa chứa nicotine và chất gây nghiện THC là thành phần của tinh dầu cần sa. Chính vì vậy, việc sử dụng thuốc lá điện tử sẽ dẫn đến nghiện nicotine và cần sa. Trong dạng khí dung của thuốc lá điện tử được tạo ra cho người sử dụng hít vào đều chứa thành phần có hại cho sức khỏe, trong đó có cả chất gây ung thư, chất khí kích ứng niêm mạc của đường hô hấp và những bằng chứng gần đây đều có sự bùng phát trường hợp mắc tổn thương phổi cấp liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều trường hợp tử vong được báo cáo và đồng thời nhiều loại hương liệu pha trộn sử dụng trong thuốc lá điện tử có thể nguy cơ trà trộn các chất gây nghiện khác vào trong dung dịch điện tử để người sử dụng dùng. Thứ nữa là có thành phần khác nữa với thuốc lá truyền thống mà chúng ta không biết” – Ths.Bs Phạm Thị Lệ Quyên cho biết thêm.

Bằng chứng là ở nước ta, vừa qua đã có nhiều trường hợp cấp cứu do ngộ độc cần sa pha trộn trong thuốc lá điện tử đã được nghi nhận.

Số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ cho thấy, tính đến ngày 18/2/2020, Mỹ đã có 68 ca tử vong và 2.807 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp phải nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.

Ủng hộ không cho phép thí điểm, cấm lưu hành các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới

Để bảo vệ sức khỏe của người dân, Bộ Y tế đã đề nghị cấm lưu hành, không thí điểm đối với toàn bộ các sản phẩm thuốc lá kiểu mới, bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Đề nghị này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia y tế và tổ chức bảo vệ sức khỏe cộng đồng. “Trên quan điểm lợi ích sức khỏe đặt lên hàng đầu, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế về không cho phép thí điểm, cấm lưu hành các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới” - Ths Nguyễn Hạnh Nguyên – Cán bộ chương trình phòng chống thuốc lá và các bệnh không lây, Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada tại Việt Nam nêu ý kiến.

Chia sẻ thêm về sự cần thiết không cho phép thí điểm thuốc lá thế hệ mới, Ths Nguyễn Hạnh Nguyên cho rằng, hiện nay tình trạng buôn lậu đang diễn ra phổ biến do tính chất lợi nhuận cao. Nếu Nhà nước cho phép lưu hàng thì rất khó kiểm soát các sản phẩm nhập lậu và làm gia tăng số người hút, các tệ nạn xã hội theo đó cũng tăng.

Thế giới đã mất nhiều thập kỷ chỉ để chống lại tái hại của thuốc lá thông thường nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Ở Việt Nam, 5 năm qua với quyết tâm, nỗ lực cao nhưng mới giảm được 2,1% tỷ lệ nam giới hút thuốc lá. Nếu cho phép kinh doanh thuốc lá điện tử, Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, môi trường, kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển bền vững đất nước”.

Ths Nguyễn Hạnh Nguyên còn dẫn chứng thêm kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới như tại Mỹ, giai đoạn 2017-2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh THPT tăng từ 11,7% lên 27,5%, ở học sinh THCS tăng từ 3,3% lên 10,5%. Tháng 2/2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (viết tắt là FDA) đã ban hanh lệnh cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị trái phép. Nhờ đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử giai đoạn 2019-2020 đã giảm.

Tại Canada, trước đây, thuốc lá điện tử bị cấm nhưng luật đã thay đổi cho phép bán vào năm 2018, thì chỉ 1 năm sau đó, việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới ở thanh thiếu niên đã tăng gấp đôi.

Đến nay, có ít nhất 32 quốc gia/vùng lãnh thổ đã cấm bán thuốc lá điện tử và 11 quốc gia đã cấm bán thuốc lá nung nóng./.