Nguyên nhân là do người dân có ý thức phòng bệnh cao hơn. Thứ hai, hiện nay, các gói khám sức khỏe định kỳ đã đưa khám nhân tuyến giáp vào như một xét nghiệm thường quy. Thứ ba là hiện nay, các tuyến y tế cơ sở đã thực hiện được kỹ thuật siêu âm tuyến giáp, do đó tỷ lệ người bệnh được xác định nhân tuyến giáp ngày càng cao.” – BS Vũ Thùy Thanh cho biết.

Không chủ quan với bệnh nhân tuyến giáp

Theo các nghiên cứu, 90% nhân tuyến giáp là lành tính, chỉ 5-10% nhân tuyến giáp là ác tính. Tuy nhiên, không vì số bệnh nhân tuyến giáp ác tính có tỷ lệ thấp mà chúng ta chủ quan. BS Vũ Thùy Thanh cho biết, nhiều người bệnh chủ quan, khi phát hiện nhân thì không đi khám, đến khi nhân phát triển to, chèn ép khí quản, thực quản gây khó thở, khó nuốt thậm chí là ung thư đã di căn mới đi khám thì việc điều trị đã khó khăn hơn nhiều.

Ý nghĩa của việc phát hiện sớm và tầm soát nhân tuyến giáp

Nếu bệnh nhân tuyến giáp được phát hiện sớm và theo dõi định kỳ, các bác sĩ có thể đánh giá được tính chất của nhân tuyến giáp là lành tính hay ác tính. Từ đó sẽ đưa ra kế hoạch theo dõi, cũng như là điều trị phù hợp, giúp cho người bệnh tránh những biến chứng về sau này” - BS Vũ Thùy Thanh nhấn mạnh.

BS Vũ Thùy Thanh còn cho rằng, việc khám lâm sàng có thể phát hiện sớm nhân tuyến giáp nhưng lại có thể bỏ qua những nhân quá nhỏ, có kích cỡ dưới 1cm, những tuyến giáp ở sâu thì cũng không phát hiện được qua thăm khám lâm sàng, do đó khi đến bệnh viện, ngoài khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được chỉ định siêu âm tuyến giáp. Đây là phương pháp rẻ tiền, dễ thực hiện mà quan trọng là không xâm lấn cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, có thể thực hiện nhiều lần và thực hiện với mọi đối tượng, phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em…

Có một số dấu hiệu có thể gợi ý để chúng ta có thể nhận diện được nhân tuyến giáp ác tính. Về mặt lâm sàng, nhân tuyến giáp xuất hiện ở bệnh nhân trẻ tuổi, dưới 14 tuổi hoặc những bệnh nhân tuổi đã rất cao, hơn 70 tuổi. Về tính chất, đó là nhân cứng, chắc, nhân phát triển nhanh trong thời gian ngắn, nhân có thể dính vào tổ chức dưới da, tổ chức xung quanh, những nhân kèm theo hạch cổ hoặc những nhân có biểu hiện chèn ép gây cho người bệnh khó thở, khó nuốt.

Khi siêu âm tuyến giáp cho bệnh nhân, các bác sĩ có thể thấy những nhân đã bị giảm âm, nhân bị vôi hóa, có danh giới không rõ, bờ không đều hoặc là nhân có chiều cao lớn hơn chiều rộng. Căn cứ vào các đặc điểm đó, các bác sĩ sẽ đánh giá nhân tuyến giáp đang thuộc Tirads mấy (Việc phân loại Tirads trong siêu âm đánh giá nhân giáp để phân loại khả năng lành tính và ác tính của nhân tuyến giáp). Tirads càng cao thì nguy cơ ác tính càng lớn.

Những can thiệp đối với nhân tuyến giáp

Với những nhân tuyến giáp có kích thước nhỏ, dưới 3cm, các bác sĩ sẽ không chỉ định chọc tế bào. “Hiện nay chưa có thuốc nào điều trị hết nhân tuyến giáp hay làm chậm sự tiến triển của nhân tuyến giáp nên những nhân nhỏ, nguy cơ thấp thì chúng tôi chỉ hướng dẫn bệnh nhân theo dõi. Thời gian khám định kỳ sẽ được bác sĩ chỉ định phụ thuộc vào nguy cơ của nhân tuyến giáp đó như thế nào. Thông thường sẽ khoảng 3-6 tháng.” – BS Vũ Thùy Thanh cho biết thêm.

Với nhân tuyến giáp lành tính, tuy nhiên kích thước lớn từ 3cm trở lên và đặc biệt nhân đã gây khó chịu cho người bệnh thì lúc này các bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp. Hiện nay có phương pháp đốt sóng cao tần, nội soi và phẫu thuật.

Phương pháp đốt sóng cao tần là nhẹ nhàng, không xâm lấn, không phải gây mê. Người bệnh có thể xuất viện trong ngày, không để lại sẹo, ít gây đau hơn. Tuy nhiên, để làm phương pháp này thì phải khẳng định nhân đó là lành tính.

Phương pháp nội soi và mổ mở sẽ áp dụng đối với nhân lành tính, kích thước lớn, chèn ép nhiều.

Đối với nhân tuyến giáp ác tính (phát triển thành ung thư), tùy vào giai đoạn của ung thư, người bệnh sẽ được chỉ định cắt bán phần tuyến giáp nhằm bảo tồn chức năng tuyến giáp hoặc phải cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Cũng tùy từng tính chất của ung thư, bệnh nhân sẽ phải đốt phóng xạ, sau đó điều trị hormone thay thế.

Một số quan niệm sai lầm của người bệnh về nhân tuyến giáp

Nhiều người bệnh cho rằng đi khám nhân tuyến giáp, chỉ cần siêu âm xem nó to lên hay không thôi. Đó là quan niệm sai lầm và chưa hiểu về bệnh bởi theo BS Vũ Thùy Thanh khi khám tuyến giáp, vẫn cần xét nghiệm máu để đánh giá chức năng tuyến giáp của bệnh nhân là suy giáp hay cường giáp, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Dùng xạ đen, hoa đu đủ, tam thất chữa bệnh: Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào cho rằng uống nước xạ đen, đu đủ, tam thất với liều lượng bao nhiêu thì có thể giúp làm nhỏ nhân tuyến giáp. Nếu nhân lành tính, kích thước nhỏ thì chỉ cần theo dõi, không phải sử dụng thuốc hay bất cứ phương pháp nào khác.

Uống sữa đậu nành hoặc ăn rau cải sẽ làm nhân to ra: Sai. Trong sữa đậu nành có hoạt chất là isoflavone, rau họ cải có hoạt chất glucosinolates. Theo BS Vũ Thùy Thanh, 2 hoạt chất này đều có thể tương tác ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp. Chính vì lẽ đó nên nhiều người lầm tưởng sữa đậu nành và rau cải ảnh hưởng đến sự phát triển của nhân tuyến giáp. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra với chế độ ăn hằng ngày của chúng ta, với hàm lượng đậu và rau cải thông thường thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Ngoài ra, đậu nành cũng như rau họ cải còn có nhiều chất dinh dưỡng khác tốt cho hệ tiêu hóa, tim mạch cũng như các chức năng khác của cơ thể. Vì vậy, mọi người không nên kiêng.