TS- BS Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Loại virus này gồm có 4 type là D1, D2, D3 và D4. Sau khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh sẽ có miễn dịch với type virus đã mắc nhưng không có miễn dịch với các type virus còn lại. Do đó, người bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm sốt xuất huyết.

Đặc biệt, khi tái nhiễm, diễn biến bệnh thường nặng hơn lần đầu, thậm chí có thể gây tử vong. Điều này liên quan đến sự tăng cường miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh. Bởi khi đó, các kháng thể của 2 hoặc 3 type virus cùng tồn tại và tác động lên cơ thể, đồng thời virus cũng được nhân lên rất mạnh, khiến các phản ứng như sốt, đau mỏi…sẽ trầm trọng hơn.

“Ví dụ ở lần mắc sốt xuất huyết đầu tiên, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, da ửng đỏ, có thể có các chấm xuất huyết rải rác trên bề mặt da. Tuy nhiên, ở lần thứ hai, khi phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với mầm bệnh được khuếch đại lên rất nhiều lần, các biểu hiện của bệnh cũng rõ rệt hơn. Bệnh nhận có thể gặp các biến chứng nặng như hiện tượng thoát huyết tương vào các khoang ảo trong cơ thể. Nặng hơn, bệnh nhân có thể có các biểu hiện liên quan đến sốc, tụt huyết áp, không có nước tiểu. Nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh có thể tử vong” - TS- BS Nguyễn Quốc Thái cho biết.

TS- BS Nguyễn Quốc Thái hướng dẫn, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, dù là lần đầu hay lần thứ 2 đều cần được theo dõi sát và chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như nôn, buồn nôn, đau bụng vùng gan (vùng mạn sườn bên phải) hoặc có biểu hiện chảy máu bất thường. Khi xuất hiện các triệu chứng này, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong thời gian thu xếp để đến bệnh viện, bệnh nhân cần được bù nước tích cực bằng đường uống làm sao đảm bảo duy trì được lượng nước tiểu bằng hoặc nhiều hơn so với bình thường.

Những trường hợp có nguy cơ cao tái nhiễm sốt xuất huyết là người dân sống ở khu vực sốt xuất huyết lưu hành. Do đó, khi có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân, người bệnh nên đi khám sớm để được hướng dẫn cách theo dõi, điều trị.

Đặc biệt, những khu vực từng xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết, cần chú ý kiểm soát dịch bệnh bằng cách phòng tránh muỗi đốt và diệt muỗi, diệt bọ gậy. Trong điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay, mọi người nên chú ý loại bỏ những vật liệu phế thải có thể là nơi đọng nước như mảnh bát vỡ, vỏ lốp xe; lật úp, phơi khô các loại xô chậu, chum vại; diệt bọ gậy tại bể cá, bể nước mưa, chậu hoa cây cảnh; đậy kín vật dụng chứa đựng nước, không để muỗi có nơi sinh sản.