Ước tính nước ta có gần 250.000 người đang sống chung với HIV, trong đó, có khoảng 20.000 người nhiễm HIV chưa được quản lý. Tính tới tháng 9 năm 2023, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 701/705 quận/huyện có người nhiễm HIV. Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47% năm 2010 xuống còn 6,4% năm 2023; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47% năm 2010 lên 84% năm 2022 và 75% vào năm 2023.

Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS, hiện đang có sự biến đổi hình thái lây nhiễm từ đường máu sang lây qua quan hệ tình dục, nhất là trong nhóm MSM (nam quan hệ đồng giới) và nhóm chuyển giới. Đây là nhóm chiếm tỷ lệ lớn trong số người nhiễm HIV mới. Tuy nhiên, những người này vẫn phải nhận sự phân biệt kỳ thị từ cộng đồng, không dám công khai bản thân nên họ rất khó tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV.

Các chuyên gia dự báo số người mắc HIV trong nhóm MSM tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lý do là đặc tính nhóm này sinh sống trải đều ở các tỉnh thành, khó tiếp cận theo vùng như đối với người nghiện ma túy trước kia. Mạng xã hội phát triển với các hội nhóm dành riêng cho người có nhu cầu quan hệ tình dục đồng giới nở rộ, khiến họ dễ dàng tìm kiếm và tiếp xúc với nhiều bạn tình. Bác sỹ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục không an toàn đang gia tăng tại thành phố và vượt xu hướng lây truyền qua đường máu. Sự xuất hiện của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, dịch bệnh mới đậu mùa khỉ cũng đang tạo ra thách thức lớn cho mục tiêu kiểm soát HIV của thành phố.

Thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS từ năm 2020 đến nay cho thấy, đang gia tăng tình trạng trẻ hóa của nhóm bệnh nhân mắc HIV. Năm nay, đến thời điểm này, đã phát hiện được khoảng 10-11 nghìn trường hợp nhiễm mới HIV, 80% trong số này là nam giới và 50% trong số họ đã tự công khai về nguy cơ lây nhiễm của mình là qua nam quan hệ đồng giới. PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục Trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh: điều quan ngại là tình trạng trẻ hóa người nhiễm HIV. Một số tỉnh, thành phố đã phát hiện người nhiễm ở lứa tuổi vị thành niên, là học sinh lớp 10, 11 và các em cho biết đã có quan hệ tình dục đồng giới hoặc đã từng sử dụng ma túy tổng hợp. Đấy là yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.

TS. Đặng Vũ Cảnh Linh - Viện trưởng Viện nghiên cứu thanh niên - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, nhận định, tỷ lệ thanh thiếu niên nhiễm HIV tăng lên có nguyên nhân cơ bản gắn liền với lối sống của thế hệ trẻ, suy nghĩ phóng khoáng, tự do trong quan hệ nam nữ. Nếu không có biện pháp trang bị kiến thức đầy đủ cho nhóm đối tượng thanh thiếu niên để giảm hành vi nguy cơ thì số người nhiễm mới sẽ tiếp tục tăng lên.

Về các giải pháp nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng chống HIV, nhất là trong giới trẻ, Ths.BS Cao Kim Thoa, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho rằng, cần nâng cao kiến thức, thái độ thực hành về phòng chống HIV/AIDS cho học sinh sinh viên, khuyến khích các trường tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, gới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, tác hại của ma túy và cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua nhiều hoạt động như: sinh hoạt chuyên đề, mít tinh…

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) và Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay nhấn mạnh vai trò sáng tạo và tầm quan trọng của những đóng góp của cộng đồng người sống với HIV, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và chịu ảnh hưởng bởi HIV vào các nỗ lực chung của quốc gia nhằm khống chế dịch HIV và thực hiện các mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, để HIV/AIDS sẽ không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.