PGS.TS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp cấp cứu BV Thống Nhất, cho biết, chiều 18/4, đoàn công tác của BV Thống Nhất đang trên đường xuống Vĩnh Long để sáng hôm sau dự sự kiện khánh thành đưa vào hoạt động hệ thống DSA (can thiệp mạch) tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long, khi xe đang cách bệnh viện khoảng 15-20 km thì các bác sĩ nhận cuộc gọi của đồng nghiệp tại đây cho biết có 2 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cần can thiệp gấp.

Trường hợp thứ nhất là người địa phương, từng bị ung thư đại tràng đã phẫu thuật khoảng 2 năm; Trường hợp còn lại là Việt kiều Pháp đến địa phương du lịch, có tiền sử tăng huyết áp. Cả hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, mệt mỏi, khó thở...

Nhận định tình hình nguy cấp, cần có sự phối hợp triển khai nhanh chóng để kịp thời cứu các bệnh nhân, đoàn bác sĩ BV Thống Nhất lập tức hội chẩn từ xa, hướng dẫn đồng nghiệp ở BVĐK Vĩnh Long thực hiện trước các khâu chuẩn bị cho người bệnh, để khi đoàn công tác đến nơi sẽ can thiệp ngay.

Trước đó, kỹ thuật can thiệp mạch đã được các chuyên gia về Tim mạch học can thiệp của BV Thống Nhất chuyển giao, đào tạo nhân lực cho BVĐK tỉnh Vĩnh Long. PGS.TS Hồ Thượng Dũng, Phó giám đốc BV Thống Nhất, trực tiếp hướng dẫn, phối hợp cùng ê kíp BVĐK Vĩnh Long cấp cứu cho 2 bệnh nhân. Sau khi được can thiệp đặt stent, tái tưới máu kịp thời, 2 bệnh nhân trên đã dần ổn định, hồi phục sức khỏe.

Theo các chuyên gia, nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch với những biến chứng nguy hiểm, nếu không xử trí kịp thời có thể tử vong nhanh chóng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, biểu hiện thường gặp là đau tức ngực, khó thở, tim loạn nhịp...

Nguyên tắc chung khi cấp cứu nhồi máu cơ tim là tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt để cứu vãn tối đa phần cơ tim thoi thóp do thiếu máu nuôi dưỡng. Do đó can thiệp động mạch vành qua da trong những giờ đầu tiên được xem là biện pháp điều trị hàng đầu.

PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất cho biết, hoạt động đào tạo nhân lực và chuyển giao các kỹ thuật, trong đó có can thiệp mạch vành cho các bệnh viện địa phương, nằm trong đề án của Bộ Y tế. Trong thời gian qua, ngoài BVĐK tỉnh Vĩnh Long, BV Thống Nhất đã chuyển giao thành công kỹ thuật can thiệp mạch vành cho một số cơ sở y tế tuyến dưới như: BVĐK khu vực Châu Đốc, BVĐK khu vực tỉnh An Giang, BVĐK Phú Yên, BVĐK Bình Định.

"Hoạt động chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên cho tuyến dưới đã giúp nhiều bệnh nhân nguy cấp được cứu sống trong thời gian vàng, giảm tử vong, giảm chuyển tuyến với rủi ro ngưng tim trên đường chuyển viện. Đồng thời cũng giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao trình độ chuyên môn cho bác sĩ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh động mạch vành ngày càng cao của người dân ở các địa phương"- PGS.TS Lê Đình Thanh nói.