Hoang mang với chính mình

Trong khi xã hội còn mơ hồ với cụm từ “người vô tính” thì theo thống kê của một nhóm kín trên trang fanpage dành cho cộng đồng những người vô tính ở Việt Nam, lượng người tham gia đã lên đến hơn 600. Một con số không hề nhỏ. Khác với người đồng tính, họ có vẻ bề ngoài như những người bình thường khác, không thay đổi về giọng nói, dáng đi, gu ăn mặc… Vì vậy, nếu quan sát về hình thức, họ không có gì khác thường.

Theo thống kê, có ít nhất 1% dân số thế giới được cho là người vô tính và phần lớn trong số họ cũng phải mất rất nhiều năm mới hiểu đúng về con người thật của mình.

25 tuổi, Nguyễn Lê Vũ ở tỉnh Vĩnh Phúc có vóc dáng cao lớn, khỏe mạnh. Ở độ tuổi của Vũ, nếu đang trong một mối quan hệ yêu đương, phần lớn đều xuất hiện ham muốn tình dục. Song với Vũ thì khác, đã trải qua 3 mối tình nhưng chỉ dừng lại ở những cái nắm tay, ôm hôn... “Dù người yêu nhiều khi đòi hỏi nhưng chưa bao giờ em muốn chuyện tiếp xúc thân thể, việc duy nhất em có thể làm là nắm tay và hôn môi dù là rất yêu bạn ấy. Nhiều khi oán trách bản thân tại sao lại như thế, muốn quan hệ một lần nhưng cứ nghĩ đến lại không thể làm được” – Vũ chia sẻ. Lúc đầu Vũ nghĩ rằng mình mắc bệnh lạ, mãi đến khi tình cờ đọc được tài liệu nói về người vô tính, em mới bắt đầu hiểu về bản thân mình.

Cũng giống như Vũ, Nguyễn Ngọc Anh - 20 tuổi sở hữu vẻ đẹp của một cô gái đầy sức sống. Em đã nhiều năm du học ở nước ngoài, nhưng ngay từ khi bắt đầu biết yêu, Ngọc Anh đã quyết định tránh xa tình dục. Lý do không phải vì em trầm cảm hay bất an mà đơn giản bởi Ngọc Anh không có hứng thú với chuyện đó.

Ngọc Anh cho biết, cũng có vài người ngỏ lời yêu em và muốn tiến xa hơn nữa nhưng đều bị em từ chối. Bản thân em cũng luôn cảm thấy kỳ lạ vì khi bị thu hút bởi người khác thì ngay lập tức em cảm thấy tội lỗi và luôn tự nhắc nhở mình không được nghĩ đến người đó nữa. Mới đây, Ngọc Anh mới biết đến khái niệm về người “vô tính”. Càng tìm hiểu Ngọc Anh càng cảm thấy bản thân rất giống với những điều được miêu tả trong khái niệm đó. Tự ti với bản thân và lo sợ bị kỳ thị, Ngọc Anh không dám chia sẻ cùng ai.

Vô tính là bệnh hay một kiểu giới tính?

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung – Quản lý chương trình Hỗ trợ mạng lưới cộng đồng, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, Vũ và Ngọc Anh thuộc nhóm người vô tính. Đây không phải là bệnh cũng không phải một dạng giới tính mà chỉ là một trong những xu hướng tính dục. Chẳng hạn khi nhắc đến người dị tính là những người bị hấp dẫn bởi những người trái ngược với mình hay người đồng tính là người bị hấp dẫn bởi những người có cùng giới tính sinh học thì người vô tính không bị hấp dẫn tình dục bởi người khác.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, khái niệm về người vô tính rộng. Khi nói đến người vô tính, người ta thường nhắc đến 3 đặc tính: Đầu tiên, người vô tính không cảm thấy bị hấp dẫn tình dục bởi người khác. Thứ hai là nhóm bán tính, họ có thể có hoặc tùy vào từng thời điểm, tùy bối cảnh, cũng có người có trải nghiệm với tình dục. Thứ ba là á tính, là những người có bị hấp dẫn tình dục với người khác nhưng không phải có hấp dẫn tình dục ngay mà trước đó một thời gian dài, họ đã yêu đương mãnh liệt rồi thì có thể có hành vi tình dục. Trên thế giới có sử dụng thang đo để hướng dẫn cho những ai muốn kiểm tra bản thân có là người vô tính và thuộc nhóm nào trong số những đặc tính trên.

Do nhiều người còn mơ hồ, chưa nhận thức đầy đủ và hiểu đúng về người vô tính nên khi nghe nói đến thường kỳ thị hoặc gắn cho họ cái mác là người bất thường, mắc bệnh liên quan đến tình dục như vô sinh, lãnh cảm, đồng tính… Đó là lý do chính khiến cho người vô tính không dám chia sẻ về con người thật của mình - kể cả với người thân trong gia đình. Thực tế đã có những người bị ép quan hệ tình dục, lập gia đình, sinh con… khi không mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, đối với nhóm người vô tính chúng ta nên tôn trọng họ, tôn trọng cảm xúc và sự lựa chọn của họ bởi vì chỉ như thế mới tạo điều kiện để họ tự tin trong cuộc sống. "Chính sự kỳ thị hiện nay khiến cho cộng đồng người vô tính khó khăn trong việc tìm kiếm các dịch vụ về y tế. Ví dụ họ đi khám phụ khoa mà nói rằng là không có nhu cầu tình dục thì bác sĩ sẽ kê thuốc trong đó có kích dục thì tự nhiên thay đổi bản chất…"

Ai cũng có nhu cầu được hạnh phúc, được sống thật với con người mình. Xã hội đã mở lòng, chấp nhận người đồng tính, lưỡng tính, vậy không có lý do gì để kỳ thị người vô tính. Một tình yêu thuần khiết được xây dựng, giữ gìn giữa hai người hiểu nhau, biết thông cảm, chia sẻ mọi vui buồn nhưng không có “sex” – tại sao không?