Nuôi con bằng sữa mẹ mà biện pháp quan trọng nhất giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và có sức đề kháng chống lại bệnh tật. Song có nhiều trẻ không được bú sữa mẹ vì một số lý do như sức khoẻ của mẹ hoặc của chính các bé không được tốt. Vì vậy, nhiều năm qua, nước ta đã thành lập hệ thống ngân hàng sữa mẹ ở cả 3 miền Bắc –Trung – Nam. Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm các ngân hàng này cung cấp hơn 9.300 lít sữa mẹ hiến tặng đạt chuẩn cho hơn 18.000 trẻ. Đây là những con số vô cùng ý nghĩa bởi nguồn sữa mẹ quý giá này đã giúp cứu sống hàng chục nghìn trẻ sinh non và trẻ mắc bệnh lý. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trẻ chưa được tiếp cận với nguồn sữa từ ngân hàng sữa mẹ. Do đó, trên mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm cho – nhận sữa cho con do các bà mẹ tự lập ra.

Chị Thanh Thủy ở Hà Nội cho biết, do không đủ sữa nên chị đã tham gia vào một nhóm cho tặng sữa mẹ trên mạng xã hội để xin sữa. May mắn chị đã kết nối được với một bà mẹ ở gần nhà đang dư thừa sữa. Cứ vài ba ngày một lần, chị lại nhận về những túi sữa mẹ căng đầy để nuôi dưỡng em bé. Tin tưởng ở lòng tốt của các bà mẹ sẵn sàng chia sẻ nguồn dinh dưỡng quý giá cho con mình nên chị Thanh Thủy không băn khoăn nhiều về độ an toàn của sữa đi xin.

Nhìn nhận về việc các bà mẹ lập ra những hội nhóm tự phát cho và nhận sữa qua mạng xã hội, GS-TS Nguyễn Tiến Dũng chuyên gia về nhi khoa cho rằng, việc làm này đã chứng tỏ các bà mẹ đã nhận thức được sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Từ nhận thức đó, bà mẹ sẽ quan tâm chú ý đến việc bảo vệ nguồn sữa và nuôi con bằng sữa mẹ.

Trước đây, tại bệnh viện, chúng tôi thường khuyến khích các bà mẹ trao tặng sữa cho những trẻ thiếu sữa mẹ. Ví dụ, hai bà mẹ cùng chăm con trong khoa Nhi, người dư thừa sữa thì có thể vắt sữa cho con của một bà mẹ khác với điều kiện chúng tôi biết rõ bà mẹ cho sữa hoàn toàn khỏe mạnh và em bé nhận sữa cũng phù hợp. Khi vắt sữa ra, em bé bú ngay thì rất an toàn” - GS-TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Nếu như tại các ngân hàng sữa mẹ, sữa hiến tặng sẽ được thu thập, sau đó tiến hành lựa chọn và sàng lọc cẩn thận các mầm bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai… Tiếp theo, sữa sẽ được xử lý thanh trùng và bảo quản theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, để đảm bảo nguồn sữa luôn vệ sinh và giữ được tối đa các chất dinh dưỡng. Song sữa được cho – nhận qua mạng xã hội sẽ không đảm bảo được các yếu tố này và do đó dẫn đến rất nhiều nguy cơ mất an toàn.

“Làm sao chúng ta biết được người mẹ cho sữa là hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc bệnh truyền nhiễm? Làm sao biết được sữa đó có đảm bảo vệ sinh trong quá trình vắt hay không, có được bảo quản đúng hay không và được vắt từ bao giờ? Rồi làm sao chúng ta biết được chất lượng sữa thế nào?” – GS-TS Nguyễn Tiến Dũng đặt câu hỏi.

Do đó, quan điểm của GS-TS Nguyễn Tiến Dũng là không khuyến khích hình thức cho và nhận sữa thông qua mạng xã hội. Theo vị chuyên gia về nhi khoa, việc cho và nhận sữa mẹ chỉ nên thực hiện trực tiếp trong một vài trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như giữa người thân trong gia đình hay hàng xóm gần gũi, hoặc khi hai bà mẹ cùng chăm con trong phòng bệnh, mà mọi người đều biết rõ người mẹ cho sữa có sức khỏe tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm. Khi sữa được vắt ra thì nên cho em bé bú ngay để đảm bảo an toàn, vệ sinh, các bà mẹ không nên tích trữ sữa ở trong tủ lạnh.

Bên cạnh những bà mẹ có tấm lòng thiện nguyện, trao tặng sữa vô tư, không hề vụ lợi thì trên mạng xã hội cũng có hiện tượng mua bán sữa mẹ một cách công khai hoặc trá hình dưới hình thức trao đổi hiện vật. Theo GS-TS Nguyễn Tiến Dũng, ngoài nguy cơ mất vệ sinh an toàn thì việc mua bán sữa mẹ có thể dẫn đến khả năng người bán chạy theo lợi nhuận mà pha trộn sữa mẹ với các loại sữa khác để bán.

Hiện trên một số hội nhóm cho và nhận sữa mẹ có thông tin như xin sữa thì phải xin theo giới tính như bé trai thì lấy sữa của bà mẹ sinh con trai…Tuy nhiên, GS-TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết quan niệm này không có cơ sở khoa học bởi trên thế giới không có một nghiên cứu hay dữ liệu nào đề cập vấn đề giới tính trong sữa mẹ.

Ngoài ra, còn có thông tin cho rằng là mẹ nhiễm viêm gan B vẫn có thể cho sữa cho những trẻ cũng có mẹ bị viêm gan B. Theo GS-TS Nguyễn Tiến Dũng, mẹ nhiễm viêm gan B vẫn có thể cho con bú bởi virus viêm gan B lây qua đường máu, quan hệ tình dục và lây truyền từ mẹ sang con khi sinh nở. Viêm gan B ít lây qua đường cho con bú nên về lý thuyết, mẹ nhiễm viêm gan B vẫn có thể cho con bú. Tuy nhiên, trong trường hợp núm vú của mẹ bị rạn, nứt, thậm chí chảy máu hoặc tiết dịch nhiều thì trẻ bú mẹ sẽ có nguy cơ lây nhiễm virus từ mẹ. Do đó, việc một bà mẹ nhiễm viêm gan B cho sữa một trẻ khác là điều vô cùng nguy hiểm và tuyệt đối cấm, không được thực hiện.