Thông tin tại Hội nghị khoa học quốc tế về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 10/3, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc bệnh viện cho biết, trong những thập kỷ gần đây trên thế giới mặc dù có các chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với thảm họa về bệnh truyền nhiễm trên quy mô toàn thế giới.

Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã ghi nhận bao gồm: dịch COVID-19; cúm gia cầm A/H5N1, dịch tả, cúm đại dịch cúm A/H1N1, dịch sởi, sốt xuất huyết...

Điều đáng lo ngại hiện nay là một số dịch bệnh trước đây có khả năng khống chế được bằng vaccine thì nay có nguy cơ bùng phát như sởi, thủy đậu, quai bị... Cùng với đó căn bệnh HIV/AIDS, viêm gan virus B, C và đặc biệt là vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện với các chủng vi khuẩn đa kháng sinh đang là các vấn đề y tế toàn cầu đặt ra các thách thức không nhỏ với hệ thống y tế của mỗi quốc gia ngay cả các những phát triển có nền y học tiên tiến.

Thông tin tại hội nghị, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số ca nhiễm nấm đen (một loại ký sinh trùng có trong môi trường không khí là Mucormycetes gây ra) có xu hướng gia tăng trong và sau COVID-19. Đây là bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng, hiếm gặp, tỉ lệ tử vong cao, di chứng nặng nề, chi phí điều trị lớn.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trước ngày 1/1/2020, không ghi nhận trường hợp nào nhiễm Mucormycosis, tuy nhiên, sau thời điểm này đến nay đã ghi nhận gần 30 ca bệnh. Cụ thể, năm 2020-2021 phát hiện 6 ca bệnh và chỉ trong vòng 10 tháng (tháng 1 đến tháng 10/2022) ghi nhận 22 trường hợp nhiễm Mucormycosis với bệnh cảnh lâm sàng đa dạng.

Các báo cáo trước đó cho thấy bệnh nấm đen gia tăng chủ yếu ở những nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Theo báo cáo từ một số cơ sở y tế bệnh nấm đen đã ghi nhận ở những bệnh nhân COVID-19 nặng, từng phải thở máy, bị suy giảm miễn dịch và mắc bệnh lý nền như đái tháo đường, ung thư, dùng thuốc corticoid kéo dài…