Từ năm 1946 đến năm 1975, thể thao Việt Nam chủ yếu chỉ phát triển ở trong nước và không có nhiều điều kiện để tham gia cũng như thể hiện mình ở các sân chơi quốc tế. Việc phát triển trong giai đoạn này chủ yếu tập trung vào các hoạt động thể thao trong nước. Sau khi hòa bình được lập lại vào năm 1975, thể thao Việt Nam bắt đầu có điều kiện tham gia vào các giải đấu quốc tế. Nhưng cũng phải đến năm 1989, thể thao nước ta mới bắt đầu tham gia trở lại vào Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games lần thứ 15) được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia năm 1989, sau 13 năm (từ SEAP Games lần thứ 8, năm 1975 đến SEA Games lần thứ 14, năm 1987 không tham dự). Từ chỗ tham dự với mục tiêu hoà nhập, học hỏi bạn bè quốc tế...; Giờ đây, thể thao Việt Nam có thể tự tin bước vào các trận thi tài quốc tế, đặc biệt là một số môn võ thuật.

Tham dự SEA Games, thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam cũng từng bước được nâng dần lên. Nếu như tại SEA Games lần thứ 15, 16, đoàn Thể thao Việt Nam còn xếp thứ 7 khu vực thì đến SEA Games 21, đoàn Thể thao Việt Nam đã vươn lên xếp thứ 4 khu vực và đứng thứ nhất ở kỳ SEA Games 22 (với tư cách là nước chủ nhà). Trong 4 kỳ SEA Games liên tiếp gần đây, đoàn thể thao Việt Nam giữ vững vị trí thứ 3 trong các bảng tổng kết huy chương.

Còn tại sân chơi châu lục, thể thao Việt Nam chính thức tham dự ASIAD từ năm 1982 với 1 huy chương đồng môn bắn súng. Năm 1994 chúng ta mới có 1 huy chương vàng đầu tiên. Năm 2002, đoàn thể thao nước ta giành được 4 huy chương vàng và 3 huy chương vàng tại ASIAD 2006. Năm 2010 và 2014 chỉ có 1 huy chương vàng. Tại ASIAD năm 2018, chúng ta vượt lên với 4 huy chương vàng, cùng 16 huy chương bạc và 18 huy chương đồng.

Còn trên đấu trường thế giới, Olympic Rio de Janeiro 2016 đánh dấu kỳ tích cho Thể thao Việt Nam khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là người mang về tấm huy chương vàng đầu tiên cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại một kỳ Thế vận hội ở nội dung 10m súng ngắn hơi. Chưa dừng lại ở đó, ở nội dung 50m súng ngắn, xạ thủ Quân đội còn giành thêm một tấm huy chương bạc để trở thành vận động viên giàu thành tích nhất trong lịch sử thể thao nước nhà, tính đến thời điểm này. Và chính thành công của Hoàng Xuân Vinh đã giúp Thể thao Việt Nam tìm được vị thế mới trên bản đồ thể thao thế giới khi lần đầu tiên Thể thao Việt Nam vươn lên Top 50 thế giới (xếp hạng toàn đoàn 48/206 quốc gia tham gia tranh tài).

Trước đó, tại Olympic Sydney 2000, võ sỹ Trần Hiếu Ngân giành 1 huy chương bạc, giúp Việt Nam xếp hạng 64 chung cuộc. Tới Olympic Bắc Kinh 2008, lực sỹ Hoàng Anh Tuấn cũng có ngôi á quân và đoàn Thể thao Việt Nam xếp thứ 70. Đây cũng là những bước đệm để Thể thao Việt Nam tiến xa hơn trên con đường hội nhập quốc tế, chinh phục những đỉnh cao Olympic Tokyo 2020 cũng như hướng đến tổ chức thành công SEA Games 31.

Bóng đá cũng là lĩnh vực gây tiếng vang đối với thể thao Việt Nam trên trường quốc tế. Thành tích tốt nhất của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam trên đấu trường quốc tế là đã từng lọt vào vào tứ kết của Asian Cup 2007. Đến giữa năm 2018, ASIAD 18 được diễn ra tại Indonesia, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các đội mạnh như Olympic Nhật Bản, Bahrain, Syria để lọt vào vòng bán kết. Ngoài ra với hai lần vô địch Đông Nam Á vào năm 2008 và 2018 và vô địch SEA Games năm 2019 cũng giúp bóng đá nam Việt Nam tạo được tiếng vang lớn trong làng bóng đá quốc tế.

Còn đội tuyển U23 Việt Nam vào tới trận chung kết giải U23 châu Á 2018 tổ chức ở Thường Châu, Trung Quốc.

Đội tuyển nữ Việt Nam cũng đã 6 lần vô địch SEA Games và 3 lần đăng quang tại giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á.

Để thể thao nước nhà tiếp tục phát triển bền vững, trong thời gian tới, ngành thể dục thể thao sẽ tiếp tục ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách về thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam và nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.

Về thể thao quần chúng, các hoạt động thể dục thể thao diễn ra thường xuyên, liên tục trên hầu hết các đại phương trên cả nước với nhiều hình thức khác nhau như đấu võ, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, cờ tướng, bơi lội, đi bộ, đua thuyền...

Còn sau khi khống chế tốt dịch bệnh, trong thời gian này nhiều giải đấu thể thao trong nước cũng đang diễn ra sôi động trên cả nước. Trong đó có giải bóng đá vô địch quốc gia và giải hạng nhất quốc gia.

Giải bóng chuyền Cúp Hoa Lư - Bình Điền năm 2021 cũng đang diễn ra từ 23/3 đến 27/3 tại nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình. Giải đua xe đạp nữ Cúp Biwase với tổng lộ trình lên đến hơn 1000km đang diễn ra cho đến hết ngày 28/3.

Sắp tới, giai đoạn 1 của giải Futsal HDBank vô địch quốc gia 2021 sẽ diễn ra từ ngày 28/3 đến ngày 5/4 tại nhà thi đấu thể dục thể thao Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Vào ngày 28/3, giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài lần thứ 62 năm 2021 sẽ diễn ra tại thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai hay giải đua xe đạp tránh cúp truyền hình HTV lần thứ 33 sẽ khởi tranh từ 6/4 đến 30/4 với 22 chặng và tổng lộ trình 2450km.