Hai kỳ SEA Games trước, điền kinh Việt Nam vượt qua đối thủ mạnh Thái Lan để vươn lên ngôi đầu ở đại hội thể thao khu vực. Áp lực bảo vệ vị trí số 1 Đông Nam Á là điều không thể phủ nhận ở kỳ SEA Games trên sân nhà lần này. Chưa kể, dịch bệnh cũng khiến kế hoạch tập luyện, tập huấn, thi đấu trong và nước của thầy trò đội tuyển điền kinh Việt Nam bị xáo trộn rất lớn. Tuy nhiên, vượt qua những thách thức, khó khăn, điền kinh Việt Nam vẫn có một mùa vàng bội thu huy chương. 22 HCV là con số kỷ lục mà điền kinh nước nhà giành được trong lịch sử tham dự các kỳ SEA Games, bỏ xa Thái Lan đứng thứ hai với chỉ 12 HCV.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đánh giá, đội tuyển hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra và vượt qua chỉ tiêu đặt ra trước đó là giành từ 16 đến 18 HCV. Có rất nhiều thành tích để lại ấn tượng, đặc biệt là các VĐV trẻ. Ngoài ra, chúng ta có rất nhiều nội dung mà các VĐV đã thể hiện hết 100% khả năng của mình. Nguồn cổ vũ, động viên của các khán giả cũng đã tạo nên động lực cho các VĐV giành chiến thắng.

Tại SEA Games 31, những VĐV chủ lực của điền kinh Việt Nam như Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Thị Thanh Phúc… vẫn cho thấy sự bền bỉ và tài năng của mình khi đăng quang ở những nội dung sở trường. Với Nguyễn Thị Oanh, “cô bé hạt tiêu” tiếp tục minh chứng sự tiến bộ về thành tích và nỗ lực đáng kinh ngạc khi chỉ trong 32 tiếng đồng hồ lập hat-trick Vàng ở cả 3 cự ly 1500m, 5000m và 3000m vượt chướng ngại vật, đồng thời phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 3000m vượt chướng ngại vật với thông số 9 phút 52 giây 46. Kỷ lục cũ của đại hội cũng do chính chân chạy Bắc Giang thiết lập năm 2019 ở Philippines (10 phút 00 giây 02).

"Thực sự kỷ lục với em rất bất ngờ vì ngày hôm qua lịch thi đấu của em khá dày, 1 ngày 2 nội dung. Bên cạnh đó sau khi xong mỗi nội dung, em còn phải kiểm tra doping nên thời gian nghỉ ngơi là rất ít. Em đã rất lo lắng khi không biết mình có đảm bảo sức khỏe để hoàn thành tất cả nội dung của mình hay không. Nhưng hôm nay khi ra đến sân em tự nhủ rằng mình sẽ cố gắng hết những gì còn lại để chiến đấu nội dung cuối cùng này", Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.

Bên cạnh những tấm HCV ở các nội dung vốn được xem là thế mạnh, điền kinh Việt Nam còn lên ngôi đầy bất ngờ ở những nội dung không phải là “truyền thống”. Một trong những bất ngờ lớn nhất chính là tấm HCV của Nguyễn Linh Na ở nội dung 7 môn phối hợp nữ - một trong số các nội dung khắc nghiệt nhất của môn điền kinh. Với 5.415 điểm, cô gái 25 tuổi người dân tộc Mường đã đoạt HCV SEA Games sau 17 năm chờ đợi, đồng thời phá luôn kỷ lục quốc gia ở nội dung này (5.350 điểm, do VĐV Nguyễn Thị Thu Cúc xác lập năm 2005).

Một tấm HCV cũng gây bất ngờ không kém đó là HCV của VĐV Lò Thị Hoàng ở nội dung ném lao nữ. Cú ném 56m37 không chỉ giúp cô gái 25 tuổi người dân tộc Thái hoàn thành mục tiêu đổi màu huy chương tại kỳ đại hội trên sân nhà mà còn xô đổ kỷ lục cũ 55m97 đã tồn tại suốt 15 năm do Buoban Pamang (Thái Lan) thiết lập từ SEA Games 24 tại Nakhon Ratchasima (Thái Lan). Điều đặc biệt, đây là tấm HCV đầu tiên của ném lao Việt Nam tại một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

Chung vui với Nguyễn Linh Na, Lò Thị Hoàng còn có Nguyễn Hoài Văn ở nội dung ném lao nam, Hoàng Nguyên Thanh với tấm HCV marathon nam đầu tiên trong lịch sử… Đó đều là những ấn tượng và là bước ngoặt chuyên môn của điền kinh Việt Nam ở kỳ SEA Games này.

Thành tích cùng niềm vui của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31 không chỉ ở bảng vàng huy chương, mà còn hứa hẹn về một lớp VĐV trẻ đang dần trưởng thành. Lương Đức Phước, ở tuổi 20 đã có HCV 1500m nam ngay trong kỳ SEA Games đầu đời. Chân chạy Ngần Ngọc Nghĩa dù không thể có được HCV ở nội dung 200m nam, nhưng anh phá kỷ lục quốc gia tới 2 lần trong ngày, vượt qua kỷ lục cũ do đàn anh Lê Trọng Hinh lập tại SEA Games 2015. Hay như “hiện tượng” Bùi Thị Nguyên với tấm HCV nội dung 100m rào nữ trong lần đầu tham dự đại hội. Thành tích của Lương Đức Phước, Ngần Ngọc Nghĩa, Bùi Thị Nguyên như một cú hích niềm tin cho điền kinh Việt Nam về một thế hệ VĐV gối đầu giàu tiềm năng, đầy triển vọng.

Dẫu còn một số tiếc nuối ở các cự ly ngắn và tiếp sức nhưng trong bối cảnh các nước như Thái Lan, Philippines ráo riết nhập tịch những VĐV ngoại hòng thay đổi cục diện, việc điền kinh Việt Nam tiếp tục đứng vững ngôi đầu Đông Nam Á là thành quả đáng tự hào. Đây sẽ là bước đệm để điền kinh nước nhà đặt ra những mục tiêu xa hơn cho lộ trình phát triển thời gian tới.