Trước khi trở thành gương mặt thân quen của bóng đá Việt Nam, anh Lê Huy Khoa được biết đến là giáo viên và dịch giả tiếng Hàn với danh sách thành tích đáng nể. Vị thạc sỹ sinh năm 1974 có kinh nghiệm 20 năm làm công tác giảng dạy, phiên dịch tiếng Hàn, từng có 10 năm học tập, làm việc tại Hàn Quốc, là tác giả từ điển Hàn Việt đầu tiên và hàng chục giáo trình học tiếng Hàn uy tín.

Nhưng có một điều ít ai biết, anh Lê Huy Khoa từng ước mơ đi theo con đường cầu thủ. “Hồi cấp 1, cấp 2 thì ước mơ của tôi là trở thành cầu thủ bóng đá và tôi cứ nghĩ rằng là biết đâu một ngày nào đó tôi được đi đá bóng, làm cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng năng khiếu không đủ, cho nên là đá chơi cho vui thôi. Và từ nhỏ đến giờ tôi chỉ chơi một môn thể thao, đó là bóng đá. Tôi luôn luôn quan tâm đến bóng đá. Và chúng ta biết là cách đây khoảng ba năm, thì bóng đá Việt Nam đi xuống, tôi xem trên báo thấy thông báo rằng là VFF quyết định ký hợp đồng với một HLV người Hàn Quốc. Rất may là tôi đã ở Hàn Quốc khá lâu, tôi hiểu tính cách của người Hàn Quốc và tôi rất là thích bóng đá. Tôi nghĩ rằng là tại sao mình không thử?” - Anh Lê Huy Khoa chia sẻ.

Từ suy nghĩ đơn giản vì sao lại không thử, trong 3 năm qua, anh Lê Huy Khoa đã được trải nghiệm cuộc sống bóng đá, tận hưởng những thời khắc vinh quang và tự hào là một phần của "những chiến binh Sao Vàng" liên tiếp làm nên những kỳ tích lịch sử. Theo anh Lê Huy Khoa, phiên dịch không chỉ là “chuyển ngữ”, mà còn phải truyền được cảm xúc lẫn tinh thần:

“Bóng đá là môn thể thao của tinh thần, tinh thần mà đã lên thì chúng ta sẽ thắng, nhưng tinh thần mà đi xuống thì khó vực dậy được, lo nhất là lo cái đó. Thứ hai là người Việt Nam mình rất quan tâm đến bóng đá, từng câu chữ của HLV người ta rất để ý, cho nên việc họp báo, phát biểu của thầy Park, mọi câu từ đều phải rất kỹ. Tính ông rất thật, nói cũng rất thẳng, ông lo là lời nói của ông có thể gây hiểu lầm cho người này người kia, cho nên ông luôn luôn dặn tôi là phải hết sức cẩn thận. Tôi có kinh nghiệm dịch rồi nhưng mà thân chủ của mình lo thế thì cũng tạo cho mình áp lực.”

Sự nổi tiếng, theo anh Lê Huy Khoa, không phải là lợi ích lớn nhất khi đồng hành với đội tuyển, thay vào đó, chính là những bài học cuộc sống. Vị trợ lý ngôn ngữ 47 tuổi cho biết, ông Park luôn theo đuổi kế hoạch dài hơi bằng các mục tiêu ngắn hạn, không bao giờ nói về ngôi vô địch, mà coi trận đấu lớn nhất là trận tiếp theo:

“Tôi ví dụ như là có đơn vị tài trợ nói với ông Park là chúng tôi sẽ tài trợ cho cầu thủ và một số thành viên trong Ban huấn luyện, thì ông Park nói thế này, không, chúng tôi không nhận, nếu tài trợ đầy đủ cho đội tuyển, cho hết các thành viên, tôi nhận, còn nếu không thì tôi không nhận. Bởi vì chúng tôi là một đội, không thể có người này mà thiếu người kia được. Cuối cùng đơn vị tài trợ đó họ phải thực hiện việc đó. Những bài học như vậy nó cũng giúp cho tôi có thêm kinh nghiệm quản lý.”

Tháng 6 tới đây tại UAE, Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa sẽ lại sát cánh bên HLV Park Hang Seo và các cầu thủ, để cùng nhau hướng tới thành tích mà tất cả người hâm mộ bóng đá nước nhà đang mong đợi:

“Thực sự tôi rất chờ đợi, tôi rất mong muốn mình cống hiến thế nào để đội tuyển quốc gia có thể lọt được càng sâu càng tốt vào vòng loại World Cup. Bởi vì giấc mơ này đúng là giấc mơ thể hiện sức mạnh thực chất của bóng đá Việt Nam!”.