Đây không phải lần đầu tiên những hot girl lẫn nhà đài bị chỉ trích trong các chương trình đồng hành cùng những giải bóng đá lớn. Từ khi dạng chương trình này ra đời, cứ mỗi kỳ Euro hay World Cup là cộng đồng mạng lại xôn xao vì một số bình luận "ngô nghê". Theo chị Hà Trần Yến Nhi, cây bút quen thuộc của báo Thể thao Văn hóa, chỉ trích, châm biếm là một trào lưu thường thấy trên các mạng xã hội. Càng vấn đề nóng, càng nhân vật hot thì "dù bạn có làm gì, hay thậm chí không làm gì thì cũng bị chỉ trích".

"Tôi nghĩ nhiều khi người ta chỉ trích không phải thật sự vì muốn góp ý để thay đổi một điều gì. Nếu muốn thành tâm góp ý thì người ta sẽ không ném đá nặng nề như thế. Nhiều khi chỉ trích như một trò tiêu khiển giải trí của một số người. Càng những facebooker nhiều like, nhiều follow thì giọng điệu lại càng nặng nề, hằn học".

Chị Yến Nhi cho biết, các chương trình đồng hành cùng giải bóng đá lớn như World Cup hay Euro là những chương trình giải trí kinh điển của truyền hình thế giới. Trong những chương trình đó, mỗi nhân vật xuất hiện là để đảm nhiệm những vai trò khác nhau. Có 3 vai trò chính: commentator (bình luận viên: làm nhiệm vụ tóm tắt diễn biến), pundit (chuyên gia: thường là cựu cầu thủ, huấn luyện viên, đưa ra những phân tích chuyên sâu mang tính chuyên môn cao) và entertainer (thường là các hot girl, người mẫu, diễn viên làm vai trò giải trí, thu hút người xem cho show). "Mỗi nhân vật đảm nhiệm một vai trò khác nhau, vì thế công chúng không nên đòi hỏi những bạn hot girl với vai trò entertainer đưa ra những bình luận phân tích chuyên sâu như chuyên gia", chị Yến Nhi nói.

316952010_6507509422598317_5753424268722803776_n.jpg

Các bạn nữ vốn ít kiến thức thể thao, lại phải tiếp thu lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn thì nhầm lẫn là chuyện có thể thông cảm. Phóng viên Mai Thế Sơn, báo điện tử VTC News cho rằng: "Theo tôi những chỉ trích nhắm vào những người đẹp tham gia Nóng cùng WC hay những chương trình bên lề, yêu cầu họ không nên lên sóng nữa thực sự có phần hơi nặng nề thái quá. Chúng ta cũng đã thấy qua nhiều năm, thông thường trong khoảng 1 tuần đầu tiên các bạn nữ không có được sự bình tĩnh và ổn định khi bình luận bóng đá. Đương nhiên các bạn ấy không thể có lượng kiến thức đủ lớn về một đội tuyển, trận đấu, giải đấu; vì thế họ mất thời gian để bắt nhịp. Đôi khi những kiến thức ấy trong đầu họ nghĩ đúng, nhưng khi nói ra lại sai lầm, sẽ lại thành đề tài bàn tán trên MXH. Một bộ phận khán giả hơi khắt khe về chuyên môn, đây là quan điểm cá nhân của mỗi người. Nhưng theo tôi những chỉ trích đó có phần khắt khe, nặng nề”.

Còn nhà báo Hồ Minh, trưởng ban truyền hình Tạp chí Thương hiệu và Pháp luật nhận định: “Có nhiều góc nhìn về vấn đề này. Thứ nhất là góc nhìn về tính giải trí. Các cô gái trẻ đẹp, hot girl, ăn mặc sexy, sport sẽ thu hút khán giả nam nhiều hơn. Về phía các hot girl, các cô ấy biết rằng mình có thế mạnh về hình thể và mạng xã hội, nên tham gia với mục tiêu trở nên thu hút hơn, tăng lượt follow và tương tác, cũng là cơ hội đẩy mạnh nhân hiệu bản thân. Ủng hộ hay không ủng hộ cũng không phải quyền quyết định của người xem, vì các cô ấy đâu có vi phạm quy chuẩn cộng đồng hay hình ảnh thuần phong mỹ tục gì mà tẩy chay. Đó đơn giản là 1 hợp đồng làm việc mà đôi bên cùng có lợi. Về những chỉ trích, tôi nghĩ các cô sẽ là người giành được thắng lợi sau cùng, dù là bị chỉ trích hay khen chê... bởi số follow và độ viral của họ sẽ tăng chóng mặt như kỳ World Cup trước thôi”.

315999024_6477771538905439_2519322299158465578_n.jpg

Cây bút Yến Nhi cho biết, việc các cô gái xinh đẹp xuất hiện trên sóng truyền hình trong mỗi kỳ bóng đá lớn là một "chiêu trò" thường được các nhà đài áp dụng, bắt đầu xuất hiện từ World Cup 1998. Không chỉ bóng đá mà những môn thể thao khác như đua xe F1, boxing cũng có sự xuất hiện của rất nhiều hot girl với những vai trò "chẳng liên quan gì đến chuyên môn". "Nói theo góc độ vừa tâm linh vừa khoa học thì người ta luôn hướng đến sự cân bằng âm - dương. Những sự kiện có quá nhiều yếu tố nam tính như thể thao thì sự đẹp đẽ và nữ tính xuất hiện như một gia vị mới nhằm làm nó hấp dẫn hơn".

Trước những ý kiến nâng cao quan điểm, nhân danh "nữ quyền" để chỉ trích các nhân vật trong câu chuyện này, bản thân là nữ giới, chị Yến Nhi cho biết không hề nhìn ra một sự "xúc phạm" gì ở đây. "Các cô gái rất trẻ được lên sóng đồng hành cùng một sự kiện lớn như World Cup, xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia được mọi người biết mặt biết tên, từ đó số lượng follow tương tác tăng vọt. Tôi để ý trang cá nhân của các bạn ấy, sau mỗi lần lên sóng các bạn ấy đều cảm thấy rất vui và hình như không cảm thấy bị xúc phạm gì. Nếu họ đang vui thì sao chúng ta lại bắt họ buồn. Có thể nào mọi người nghĩ vấn đề một cách đơn giản hơn cho nhẹ nhàng không?"

Bóng đá, thể thao là các sự kiện mang tính giải trí. Tất nhiên, bóng đá có tính đối kháng và chuyện chia phe giữa cổ động viên 2 đội, giữa những luồng quan điểm trái ngược nhau cũng không có gì lạ. Nhưng như chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã nói, những ngày hội bóng đá lớn như World Cup là lúc chúng ta nên dẹp qua một bên những khác biệt, mâu thuẫn về tôn giáo, chính trị, quan điểm… để có thể tận hưởng bóng đá một cách trọn vẹn nhất như một sự kiện giải trí đơn thuần. Trước đây chẳng phải một cuộc xung đột vũ trang đã tạm ngừng để 2 phe xem Vua bóng đá Pele thi đấu, hay Thế chiến thứ nhất từng tạm ngừng 1 ngày để 2 bên thi đấu giao hữu bóng đá đó thôi. Hãy tận hưởng bóng đá một cách vui vẻ.

Nghe âm thanh tại đây: