"Kawasaki Frontale đạt thỏa thuận với Consadole Sapporo về vụ chuyển nhượng Chanathip Songkrasin tới sân Kawasaki Todoroki trước thềm mùa giải 2022" - trang chủ J1 League thông báo sáng 11/1… Chanathip từng sang Consadole Sapporo vào năm 2017 theo diện cho mượn từ Muangthong United, trước khi được mua đứt vào đầu năm 2019. Trong gần 5 năm qua, Chanathip khẳng định được tài năng ở Nhật Bản, ghi 15 bàn qua 125 trận, hưởng lương cao nhất CLB hai mùa gần nhất. Theo trang web chuyên định giá cầu thủ Transfermarkt (Đức), Chanathip hiện có giá 1,8 triệu USD. Nhưng do còn hợp đồng với Consadole tới hết tháng 1/2025, phí chuyển nhượng của Chanathip chắc chắn cao hơn nhiều. Theo Siamsport, Frontale phải chi 4 triệu USD (khoảng 100 tỷ đồng) để chiêu mộ thủ quân đội tuyển Thái Lan.

Nhìn lại AFF Cup 2020 vừa qua, Quang Hải hay Hoàng Đức không thua kém quá xa Chanathip, điều đó càng khiến người hâm mộ và giới chuyên môn đặt dấu hỏi về hành trình xuất ngoại để nâng tầm đẳng cấp cho những ngôi sao bóng đá hàng đầu nước ta. Những bài học xuất khẩu cầu thủ không hề thiếu và câu hỏi đầu tiên đặt ra là: nếu xuất ngoại thì điểm đến nào là hợp lý nhất? HLV Phạm Minh Đức, một trong những người thầy đầu tiên của Quang Hải cho biết, các thế hệ trước, kể cả anh Huỳnh Đức từng sang Trung Quốc thi đấu, rồi Công Vinh, Việt Thắng, rồi sau này có Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Hậu, các tấm gương đó là cơ sở để tính toán, vì nếu đi chỉ vì thương mại, không được chơi thì cũng rất khó khăn.

“Theo tôi trình độ các em có thể sang Thái Lan, nếu được chơi cũng là tốt lắm rồi, giống như Đặng Văn Lâm chẳng hạn. Vì vậy tôi nghĩ là các em chỉ nên đi đá ở Thái Lan, chứ còn sang Nhật Bản, Hàn Quốc mà đá ở các giải thấp hơn, tôi nghĩ là cũng không có cơ hội thi đấu. Tôi nghĩ là kể cả Hoàng Đức, sắp tới đây nếu em mà đi thì tôi nghĩ cũng rất là khó ở những cường quốc bóng đá, theo tôi Thái Lan vẫn là tốt nhất nếu sang được” – HLV Phạm Minh Đức nêu quan điểm.

Nửa năm qua, CLB Pathum United của Thái Lan rất kiên trì theo đuổi để có được chữ ký của Hoàng Đức. Tương tự, Quang Hải cũng nhận được nhiều lời mời từ các CLB Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và một vài đội bóng không mấy tên tuổi của châu Âu.

Về việc lựa chọn điểm đến châu Á hay châu Âu, chuyên gia Phan Anh Tú cho rằng: “Tất cả đều phải đi từng bước một. Chúng ta phải lên lớp 1, lớp 2 rồi lớp 3. Các cầu thủ cần phải rèn luyện môi trường nhỉnh hơn một chút, để thích nghi dần dần và có rất nhiều thứ để thích nghi. Ở đây chúng ta có đồng đội, người thân động viên nhưng sang bên kia là cuộc sống, văn hóa khác hẳn. Rõ ràng các cầu thủ của chúng ta phải làm hai việc, ngoài chuyên môn phải cạnh tranh rất cao, bên cạnh đó phải có nếp sống tập luyện, văn hóa nữa, theo được không? Tại sao Chanathip vượt qua được chuyện đó, hòa nhập được văn hóa, chứ còn chuyên môn không chưa đủ”.

Nói về chuyện xuất khẩu cầu thủ, nhà báo Minh Hải cho rằng cơ hội là cực lớn, nhưng việc tận dụng lại chỉ là con số 0, mà nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất, nằm ở chính các “ông bầu”.

“Quang Hải và Hoàng Đức hiện nay đang nhận được rất nhiều lời mời. Nhưng ở bóng đá Việt Nam thì cái uy của ông bầu đôi khi nó còn nặng hơn cả những cam kết hợp đồng, thành ra rất là khó. Bây giờ ông bầu A chẳng hạn, các cầu thủ sợ bóng sợ vía, sợ không dám quyết, vẫn còn câu là “Thôi, Chủ tịch quyết hộ con”. Nói tóm lại là không dám tự đưa ra quyết định của mình và chấp nhận chịu rủi ro từ quyết định của mình, cho nên họ vẫn muốn là ký hợp đồng, sau đó có điều khoản nào đấy được ra nước ngoài thi đấu, còn nếu như ra nước ngoài mà không ổn thì lại về, vẫn có CLB để khoác áo. Họ không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Tư duy theo kiểu an toàn thì rất khó, đặt mục tiêu thay đổi đẳng cấp thì đương nhiên phải thay đổi tư duy” – nhà báo Minh Hải phân tích.

Việc xuất ngoại của hai tiền vệ trung tâm hàng đầu Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn của truyền thông khu vực, trong đó tờ ESPN nhận định: “Không thể phủ nhận là Quang Hải đã chơi tốt, nhưng những gì Chanathip làm được rõ ràng tốt hơn. Đó là nhờ những bài học được rút ra khi ra sân thường xuyên ở sân chơi có cấp độ cao hơn". Liên quan đến trường hợp của Quang Hải, BLV Quang Tùng đánh giá: “Hợp đồng cũ của Quang Hải kết thúc vào tháng 4/2022, tức là chỉ còn vài tháng nữa, nên đang có chuyện bàn bạc ký lại. CLB Hà Nội đương nhiên phải chuẩn bị cho tương lai của chính, bởi vì khi đưa cầu thủ ra nước ngoài như trường hợp của Văn Hậu thì họ đã có bài học. Không dễ để trụ lại được đâu đó trong top 10 giải VĐQG hàng đầu. Trong câu chuyện này, tôi tin rằng CLB Hà Nội họ sẽ giữ Quang Hải, bởi Quang Hải chính là biểu tượng mới của CLB Hà Nội”.

Quang Hải sẽ hết hợp đồng trẻ vào tháng 4, sau đó có thể ký hợp đồng chuyên nghiệp với Hà Nội hoặc bất kỳ đội bóng nào khác. Còn hợp đồng đào tạo trẻ của Hoàng Đức thì kết thúc ngay trong tháng 1 này và Viettel đang có ý định tái ký thêm 3 năm nữa. Vấn đề còn lại là Hoàng Đức hay Quang Hải có muốn, và “có được cho phép” ra nước ngoài hay không.