Hổ được danh xưng là chúa sơn lâm bởi là con vật dũng mãnh, nhanh nhẹn dẻo dai và thông minh. Sự bí ẩn, uy dũng của hổ còn được truyền tụng trong nhiều truyền thuyết dân gian và loài mãnh thú săn mồi này được gọi một cách trận trọng là ông Hổ, hay ông Ba mươi.

Thần hổ uy linh và đầy huyền bí đã đi vào đời sống tâm linh của người Việt, trở thành nhân vật được thờ cúng ở rất nhiều điện, đền, phủ… Trong võ thuật, hình ảnh con hổ thể hiện khả năng chiến đấu, sự hung hãn, tinh ranh, xảo quyệt liều lĩnh cũng như bản năng tự vệ và chiến đấu cao, oai phong lẫm liệt, không chịu khuất phục….

Trong kho tàng võ thuật của truyền Việt Nam, Hổ được xếp đầu trong Ngũ Hình quyền trước Long, Báo, Xà và Hạc, môn phái Võ Ta, Tây sơn Bình Định có một bài quyền đặc sắc gọi là quyền 3 chân hổ. Võ Sư Hà Trọng Ngự chia sẻ: "Quyền 3 chân hổ xuất phát từ một con hổ bẩm sinh chỉ có 3 chân và rất hung tợn, chuyên ăn thịt người. Nó ở vùng đất Bình Định, vùng núi Bà cách đây mấy trăm năm. Xuất phát từ con hổ 3 chân đó đã giết chết nhiều người, một ông tiều phu ngồi, sáng tác, hình dung lại những đòn thế, những cái nào là vồ, cái thì vờn, chụp, xé này nọ mà ông ta từng đánh với nó, ông ta hình dung và sáng tác ra bài quyền 3 chân hổ lưu truyền tới ngày nay."

Có từ thời Tây Sơn tam kiệt, bài quyền Quyền 3 chân hổ là sự đúc kết và ứng dụng những thế của loài hổ đã được sử dụng trong săn mồi như vờn mồi, vồ mồi, bay cao lên rồi chụp xuống thấp, tung và xé con mồi, có lúc lại lui về thủ thế, rình chờ đối thủ. Loài hổ sử dụng móng vuốt để hạ gục con mồi một cách mạnh mẽ và nhanh nhẹn. Quan trọng và lợi hại nhất trong các bài hổ quyền chính là trảo.

Võ Sư Định Công Tuấn môn phái Bình Định gia cho biết: "Những đòn của Hổ chủ yếu dùng bằng tay trảo để vả, xé, tấn công đối phương rất khốc liệt, khi đánh bài quyền 3 chân hổ này, chúng ta phải xử dụng thân pháp, nhãn pháp để chúng ta tấn công. Chúng ta coi mình là một con hổ để có sự tự tin, dũng mãnh để tấn công đối phương. "

Quyền 3 chân hổ là tượng hình quyền của Võ thuật cổ truyền, chủ yếu nhằm luyện gân cốt, chỉ lực cùng sự vững chãi, nhanh nhẹn, phát huy nội lực, để có sức bền bỉ, dẻo dai, linh hoạt khi phát kình nội lực, lúc phát nổi ngoại công.

Quyền 3 chân hổ không chỉ nhằm phát triển uy lực mà còn nhằm biến đổi tình trạng gân, xương để tăng phần kiên mãnh cho cổ và sống lưng. Cổ và sống lưng để đạt tới mức bền dẻo, có khả năng căng ra đủ để phát nổi một ngoại lực cương mãnh. Bởi uy lực của nhiều loại công phu do các thế tấn vững và cử động mạnh của thắt lưng tạo ra, nên người luyện võ phải có một sống lưng hoàn kiện. Võ sư Hà Trọng Ngự nói: "Hổ Quyền tập trung bào bộ tấn và bộ trảo, tức là tay với cặp mắt khi đánh con mồi hoặc đối phương. Cặp mắt trừng vào đối phương để thể hiện nhãn quan của một con hổ, thể hiện sự dữ dằn, hung tợn. Quan trọng là cái bộ tấn, khi tập luyện bộ tấn hạ thấp cần phải khoẻ như một con hổ, hay là bộ trảo phải thật mạnh để đánh vào chỗ hiểm đối phương, cần phải cứng, phải chắc. "

Sở dĩ Quyền 3 chân hổ nổi tiếng, được giới võ học quan tâm đến vậy là vì người nắm giữ được tuyệt học này có thể đánh bại được thú dữ, một mình chống lại sự tấn công của nhiều người. Nhưng để tập luyện môn võ này, không phải chuyện dễ dàng. Võ Hà Trọng Kha Vy cho biết: "Giai đoạn tập luyện đầu tiên, trước hết là mình tập bộ tấn trước, sau đó mình tập tới bộ tay, bộ tay là khi mình tập luyện chụp vào bao cát, chụp vào lốp xe cứng, sau đó mình chụp vào sỏi, cát để tập luyện cho bộ trảo của mình vững chắc, chai, cứng."

Long quyền luyện thần, xà quyền luyện khí, xà quyền luyện tinh, báo quyền luyện gân lực, hổ quyền luyện cơ cốt. Tập luyện hổ quyền giúp cơ thể dẻo dai, rắn chắc mà linh hoạt, dũng mãnh, tâm vững, thần uy nghi, thông minh như chúa sơn lâm. Năm Dần, người ta lại có dịp kể nhiều về truyền thuyết ông Ba mươi và võ hổ, kho tàng võ thuật cổ truyền Việt Nam có nhiều bài quyền độc đáo như quyền ba chân hổ, lão hổ thượng sơn, mãnh hổ xuất động. Đặc biệt bài lão hổ thượng sơn được đưa vào hệ thống sách giáo khoa của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Tất cả đều là di sản của cha ông để lại cho hậu thế với hy vọng con cháu tập luyện để khoẻ mạnh, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ tổ quốc.