Theo chia sẻ của ông Đặng Hà Việt, bơi lội và điền kinh là hai môn thể thao cơ bản nhất của Olympic, được ngành thể thao đầu tư rất mạnh tay.

Tại SEA Games 32, cả hai môn này đều để lại những dấu ấn rất cảm xúc với người xem, nhưng nhìn tổng thể vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng về chuyên môn.

Ngoài việc thông số các VĐV không cao, điền kinh chỉ giành 12 HCV, trong khi bơi có 7 HCV, thấp hơn nhiều so với kỳ SEA Games 31.

Ông Đặng Hà Việt cho biết, các nước khác thành tích năm ngoái tương đối thấp, nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các VĐV, đội tuyển thể thao đó không có điều kiện đi tập huấn nước ngoài; trong khi ở Việt Nam, dù vẫn bị cách ly và hạn chế, các đội tuyển, VĐV của chúng ta vẫn có thể tập luyện, nên có được sự chuẩn bị tốt hơn.

Ở SEA Games lần này, sự chuẩn bị của các nước đều tốt hơn trước, nên tính cạnh tranh quyết liệt hơn và thành tích của các đoàn cũng nâng cao hơn. Ông Đặng Hà Việt cho biết: "Điền kinh chỉ giành 12 HCV khi chỉ tiêu đặt ra là 14. Đó là điều thất vọng, nhưng nhìn toàn cục chúng ta có quyền tin tưởng vào định hướng đầu tư".

Phân tích kỹ hơn về việc điền kinh và bơi lội không đạt chỉ tiêu HCV, Phó đoàn Hoàng Quốc Vinh nói: "Các VĐV phải thi đấu dưới điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt".

"Ngoài ra, một số nội dung được kỳ vọng lớn nhưng lại mất HCV vì những điều kiện khách quan, như trường hợp của Nguyễn Thị Huyền đang là ĐKVĐ nhưng lạị bị xếp ở làn chạy số 7".

Trả lời câu hỏi vì sao một số VĐV trọng điểm của TTVN có thông số không tốt, dù vẫn có thể giành HCV ở SEA Games lần này, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cho biết “Ban huấn luyện có chiến thuật cho Nguyễn Thị Oanh. Khi các nội dung được sắp xếp liền nhau thì không bung hết sức để cố phá kỷ lục".

“Nguyễn Thị Oanh đạt đẳng cấp vượt trội so với tầm Đông Nam Á. Do đó, mục tiêu quan trọng mà vận động viên này hướng tới là sân chơi ASIAD và đạt chuẩn Olympic”.

Ông Đặng Hà Việt nói: "Nguyễn Thị Oanh từng đạt huy chương đồng ở ASIAD. Chúng tôi có kế hoạch riêng cho Oanh trong 3-4 tháng nữa để đạt thể trạng, điểm rơi phong độ tốt nhất và có thành tích bằng hoặc hơn những lần trước. Ở SEA Games 32, Oanh rất xuất sắc, được báo chí nước ngoài ca ngợi và nhiều nhà tài trợ ủng hộ".

Ông Đặng Hà Việt cũng nhấn mạnh SEA Games đang ngày càng hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao hơn, không còn là chuyện “ao làng” như báo chí đề cập, không chỉ Nguyễn Thị Oanh, nhiều VĐV khác cũng có tính toán hướng tới ASIAD. Điểm rơi phong độ ở đấu trường châu lục là vấn đề quan trọng mà các bộ môn cần có sự tính toán kỹ.

"SEA Games 32 chưa phải điểm rơi chính, mới là giai đoạn xây nền. ASIAD khốc liệt hơn nhiều. Một số VĐV không cần tập trung quá cao cho thành tích SEA Games, như Nguyễn Thị Oanh phải phân phối sức để đạt chỉ tiêu huy chương, trong khi đoàn cũng có những tính toán riêng", Trưởng đoàn Đặng Hà Việt nhấn mạnh.

Tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh giành 4 huy chương vàng ở các nội dung 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m và 10.000m. Cô không phá kỷ lục ở nội dung nào nhưng đây là lần đầu tiên thể thao Việt Nam có VĐV đoạt 4 huy chương vàng ở môn điền kinh trong một kỳ SEA Games.

Theo định hướng của ngành thể thao, SEA Games là sân chơi để các VĐV vừa tranh chấp huy chương, vừa là bước chuẩn bị cho Asiad 19 diễn ra vào tháng 9 tới tại Trung Quốc. Vì thế, việc đặt ra chỉ tiêu giành 90-120 HCV chỉ là tương đối, giúp các VĐV có thêm nhiều động lực để phấn đấu.