Khi nhà Glazers mua lại Manchester United, tài sản họ sở hữu không chỉ là câu lạc bộ bóng đá đầu tiên trong lịch sử cán mốc doanh thu nửa tỷ bảng/năm, mà nói như giới đầu tư tài chính đó là một loại cổ phiếu “uptrent” (đang lên giá). Man United lúc đó đích thực là một công ty ăn nên làm ra và có tiềm năng tiếp tục phát triển.

Có hai nhân tố giúp Man United thống trị cả trên sân cỏ lẫn thương trường: Sir Alex Ferguson và David Gill. Tài sản giá trị nhất mà Glazers sở hữu trong vụ thôn tính đó không chỉ là một CLB bóng đá cùng những tài sản cố định của nó mà còn là hai nhân sự hàng đầu trong thế giới bóng đá. Thực tế đã chứng minh, chỉ cần có sự xuất hiện của hai con người này thì dù Man United có đổi chủ, thành tích sân cỏ lẫn thành tích trên thương trường của đội bóng vẫn được đảm bảo. Nhưng khi Alex Ferguson và David Gill đồng loạt chia tay đội bóng năm 2013, Man United lập tức lao dốc mà không một ai đủ sức níu giữ.

ay_104218068.jpg

Nếu như trên thương trường, Man United phần nào vẫn vớt vát được với tài kiếm tiền của Ed Woodward, thì trên sân cỏ, Man United loay hoay lúc thì chiến lược ngắn hạn, lúc thì chiến lược dài hạn, để rồi cuối cùng chả có chiến lược nào nên hồn! Điều đáng trách là, Glazers lại bắt “cá leo cây” khi để Ed Gỗ phụ trách cả mảng thể thao, thứ mà ông ta không hề có chuyên môn.

Hệ quả là Ed bổ nhiệm một loạt HLV mà người sau lên phá sạch sành sanh cơ đồ của người trước, không hề có sự kế thừa. Mỗi lần thay đổi HLV là một lần Man United rẽ sang hướng khác về chiến lược bóng đá, vứt đi cỡ 200-300 triệu bảng mà chẳng thu lại được gì. Điều này là do thói quen Ed Woodward có từ thời còn Sir Alex cầm quân, ông ta để chiến lược gia người Scotland quyết tất vấn đề bóng đá.

Nhưng thời đại ngày nay đâu có như 20 năm trước! Tất cả các CLB bóng đá – mà thực ra là các siêu công ty – thành công nhất hiện nay đều được xây dựng trên hai trụ đỡ: chuyên môn và tài chính! Hãy nhìn sang ê-kíp bóng đá của Manchester City là những con người đã tạo nên đế chế Barca thống trị châu Âu những năm 2008 – 2012; Liverpool có sự kết hợp giữa một Jurgen Klopp và giám đốc thể thao Michael Edwards; Chelsea có "bà đầm thép" Anna Granovskaia và những HLV hàng đầu. Man United có ai? Hãy nhìn lên phía trên ê-kíp huấn luyện của Solsa để thấy.

Họ có một Darren Fletcher chưa từng có kinh nghiệm và thành tích gì ngoài cái mác “cựu cầu thủ” cho vai trò Giám đốc bóng đá; có thêm một John Murtough cũng hoàn toàn vô danh và là người còn sót lại từ thời David Moyes cho vị trí Giám đốc thể thao. Man United là dự án lớn đầu tiên mà cả Fletcher và Murtough phụ trách, không kinh nghiệm, không thành tích, làm sao bảo đảm được thành công!

Solsa đáng trách! Nhưng ông ta không có tội đối với mọi sự hỗn loạn ở Old Trafford giai đoạn hậu Alex Ferguson và David Gill! Đổ lỗi cho Solsa về 3 năm không danh hiệu và lối chơi vô hồn thì đúng, nhưng công bằng mà nói với những cầu thủ ông được ấn vào tay, thành tích 3 năm có vé dự Champions League, một lần vào chung kết Europa League đã là tốt lắm rồi. Nhìn lại, Solsa đã xây dựng được bản sắc tương đối rõ nét với việc phát triển các sản phẩm cây nhà lá vườn kết hợp với các siêu sao hàng đầu thế giới, chú trọng đến những cầu thủ người Anh bản địa.

Nhưng khi mọi thứ bắt đầu không ổn, lựa chọn duy nhất là đổ hết tội lên đầu Solsa và tìm một HLV khác “giơ đầu chịu trận”. Ban lãnh đạo Man United thực sự không có một chiến lược rõ ràng nào trong việc định hình mục tiêu và phong cách của Quỷ đỏ. Họ giống như đang chơi trò ghép hình mà vẫn chưa tìm ra được miếng ghép đúng nhất. Man United đã rối loạn từ trước khi Solskjaer đến và chắc chắn sẽ tiếp tục rối loạn sau khi ông đi.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là: các ông chủ Man United có muốn và thực sự quan tâm đến vấn đề của CLB hay không? Câu trả lời có lẽ hơi buồn với những CĐV Quỷ Đỏ: KHÔNG!!!

Man United đang có những ông chủ sống ở cách xa thành phố nơi đội bóng đóng quân tới hơn 6000 cây số. Và thực tế, dù đã phó mặc Man United cho Ed Woodward (và sắp tới là ai đó kế nhiệm ông ta), mọi quyết định quan trọng nhất vẫn phải được đưa ra bởi các ông chủ. Điều ngớ ngẩn là, giờ Anh lệch đáng kể so với giờ Mỹ, và những kết quả cuộc họp của ban giám đốc như cuộc họp bắt đầu lúc 2h đêm qua (giờ Anh) và kéo dài 5 tiếng, thực tế vẫn phải chờ đến khi các ông chủ bên kia bán cầu… ngủ dậy để đưa ra quyết định cuối cùng!

Khác với Abramovich, nhà Glazers cũng không có thói quen can thiệp vào chuyên môn Man United. Chỉ cần “con gà” vẫn tiếp tục “nhả trứng vàng” đều đặn, thì dù Man United có xuống hạng thì giới chủ Mỹ cũng chả quan tâm. Thứ họ quan tâm là một đội bóng chày khác ở giải NFL, những danh mục đầu tư trải dài khắp nước Mỹ và trên thế giới. Man United vẫn còn đem lại lợi nhuận trên thị trường tài chính thì thành tích và những màn trình diễn trên sân cỏ… sao cũng được.