Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cái tên “Ngã ba Đồng Lộc” được nhắc đến như một khúc tráng ca về tinh thần bất khuất, anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây, đúng 55 năm về trước, vào ngày 24/7/1968 đã chứng kiến sự ngã xuống đầy anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong.

Ngã ba Đồng Lộc (nay thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2. Trong những năm chiến tranh, Ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Ngã ba Đồng Lộc được coi là “yết hầu” của mạch giao thông nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam" nên đế quốc Mỹ đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này nhằm chặn chi viện của hậu phương ra tiền tuyến.

Theo các tư liệu lịch sử, giai đoạn những năm 1964 đến 1972, ngã 3 Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là ác liệt nhất. Ông Vũ Trọng Kim, nguyên UVTW Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn TNCSHCM, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP), Đại biểu Quốc hội khóa XV cho biết: “Không quân Mỹ đã liên tục đánh phá ngã ba Đồng Lộc nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch giao thông của ta hướng về chiến trường miền Nam ác liệt, nhất là 240 ngày đêm từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Mỹ đã đánh phá 2.000 lần và gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân mỗi mét vuông ở đây là trên 3 quả bom tấn, cho nên gọi đây là tọa độ chết”

Địch càng quyết phá nát con đường này, ta càng quyết giữ, bằng mọi giá không để cắt đứt tuyến đường chi viện cho miền Nam. Chiến đấu ở chiến trường Đồng Lộc lúc đó gồm nhiều lực lượng như bộ đội, công an, công nhân giao thông, dân quân, nhân viên y tế, bưu điện, lái xe, thông tin… nhưng đông đảo nhất, hùng hậu nhất chính là lực lượng thanh niên xung phong. Vào thời gian cao điểm nhất, số lượng người có mặt tại chiến trường Đồng Lộc lên tới 16.000 người. Những chiến sĩ thanh niên xung phong ngày ấy đa phần tuổi đời còn rất trẻ. Họ sống bám cầu, bám đường, kiên cường, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Mệnh lệnh từ trái tim của tất cả các chiến sĩ Ngã ba Đồng Lộc thời đó là: “Máu có thể ngừng chảy, tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc”. Trên tuyến đường này, máu của hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống ngã ba trận địa, viết nên những khúc tráng ca bất tử. Đặc biệt là sự hy sinh của 10 cô gái TNXP vào chiều ngày 24/7/1968.

Sự kiện này được anh Phan Công Lệ cũng như nhiều thuyết minh viên Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc kể không biết bao nhiêu lần cho du khách tới thăm nơi đây, nhưng lần nào cũng trào dâng cảm xúc: “Ngày 24/7/1968, máy bay của đế quốc Mỹ kéo đến trinh sát và giội bom dữ dội. Mặt đường 15A đã nham nhở các hố bom. Nhận lệnh, đúng 12h trưa, 10 cô gái thanh niên xung phong do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng chưa kịp ăn cơm, vội chia nhau nắm mỳ luộc, rồi cầm cuốc xẻng, í ới gọi nhau ra mặt đường san lấp hố bom. Dưới mặt đất các chị cứ đào, xúc... bằng bất cứ giá nào để tuyến đường 15A phải được thông suốt cho đoàn xe chi viện đặc biệt cho chiến trường miền Nam đi qua được an toàn trong đêm đó. 16h cùng ngày, đến lượt ném bom thứ 15, một tốp máy bay Mỹ lao tới trút bom dữ dội, nhằm thẳng mục tiêu nơi các chị đang làm đường phía dưới. Mười cô gái không còn cách nào khác đã cùng nhau lánh tạm vào một căn hầm gần nhất bên đường, đợi cho máy bay đi qua sẽ ra làm tiếp cung đường còn lại. Bỗng một loạt bom rơi, đánh sập hầm… và tất cả bị vùi lấp…”

10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc ấy thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, bao gồm: Võ Thị Tần (24 tuổi, Tiểu đội trưởng), Hồ Thị Cúc (24 tuổi, Tiểu đội phó), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi), họ đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ. Cùng với các chị còn có hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi con đường huyết mạch này.

Biết bao lời ca, biết bao tiếng thơ, tiếng lòng đã cất lên gửi tới hương linh 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc cùng những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Nơi đây cũng chứa đựng vô vàn những câu chuyện cảm động. Cũng từng là TNXP, Ông Vũ Trọng Kim chia sẻ: “Những áng văn thơ, những câu chuyện kể không bao giờ hết, không giấy mực nào tả hết được tinh thần đó. Chuyện về 10 cô gái TNXP ngã ba Đồng Lộc thì rất nhiều, nhưng tôi ấn tượng nhất là bức thư của chị Võ Thị Tần, chị 24 tuổi là đội trưởng của tiểu đội 4 TNXP, chị đã từng viết thư về cho mẹ: “Mẹ ơi chúng con vui lắm. Ban đêm chúng nó thả pháo sáng, thắp đèn cho chúng con làm đường, ban ngày thì bom Mỹ nổ làm cho bao nhiêu cá chết cho chúng con đem về để cải thiện bữa ăn. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.

Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Càng cảm động hơn nữa khi đến ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy thi thể của chị Hồ Thị Cúc trên đồi Trọ Voi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra. Thương xót người em, người đồng đội, nhà thơ Yến Thanh nghẹn ngào viết bài thơ: “Cúc ơi” trong lúc đồng đội tìm thi thể cô:

“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn đã quây quần đủ hết

Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh

A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh

Chỉ thiếu mình em

Chín bỏ làm mười răng được

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc

Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng

Cúc ơi! Em ở đâu?...

…Gọi em,

Gào em

Khản cổ cả rồi

Cúc ơi!”

55 năm đã trôi qua, các con đường ở Đồng Lộc nay cũng đã được trải nhựa hoặc đổ bê tông, những ngọn đồi đã được phủ kín màu xanh cây lá, không còn những hố bom xoáy thành từng vũng như xưa. Nhưng những huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc vẫn còn đó, như khúc tráng ca hào hùng, bất tử.

Ghi nhớ tinh thần anh dũng của 10 cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc, ngày 7/6/1972, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tiểu đội 10 cô gái. Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày nay, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được xây khang trang để tưởng niệm hàng nghìn chiến sĩ và người dân đã ngã xuống để giữ vững mạch máu giao thông Bắc - Nam.

Chiến tranh lùi xa, cuộc sống mới với cung đường giao thông hiện đại, cây xanh mọc lên đã hồi sinh tọa độ chết năm xưa. Thời gian có thể khiến người ta quên đi bao nhiêu ngã ba trong cuộc đời, nhưng khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc với những câu chuyện cảm động. Biết bao lời ca, biết bao tiếng thơ, tiếng lòng đã cất lên là những nén tâm hương thành kính dâng lên hương linh 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc cùng những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Thế hệ trẻ hôm nay sẽ noi gương và viết tiếp những bài ca, những ước vọng còn dang dở để tinh thần ý chí quật cường không sợ gian nguy của các thế hệ thanh niên xung phong được tiếp nối mãi đến mai sau.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: