Tối 5/9, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (10/9/2003 - 10/9/2023).

Các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã gửi lẵng hoa chúc mừng thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đánh giá cao vai trò của Hội đồng trong tiến trình phát triển văn học nghệ thuật nước nhà.

Trong diễn văn khai mạc buổi lễ ý nghĩa này, PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cho biết: Ngày 10/9/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Quyết định số 81-QĐ/TW, về việc thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Đây là quyết định kịp thời, đúng đắn, thể hiện sự nhạy bén, chủ động và sáng suốt của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật được Đảng ta khẳng định là “bộ phận rất quan trọng và đặc biệt đặc biệt tinh tế của văn hóa”.

Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển 20 năm qua, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để luôn xứng đáng là cánh tay đắc lực trong sự nghiệp phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Với gần 5 nhiệm kỳ hoạt động. Hội đồng đã hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ là “cơ quan tư vấn cho Đảng và Nhà nước về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật”, tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước xây dựng và lãnh đạo thực hiện nhiều nghị quyết, chính sách ở tầm chiến lược, vĩ mô về văn hóa, văn nghệ; tư vấn và hỗ trợ nhiều ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu khoa học; hoàn thành các đề án, đề tài khoa học cấp nhà nước và cấp ban đảng.

Bên cạnh đó, Hội đồng đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát thực tiễn, nghiên cứu lý luận ở trong và ngoài nước, tổ chức các hội nghị tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực và bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ lĩnh vực tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thông, nghiên cứu, giảng dạy về văn học, nghệ thuật; bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ cho các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ.

Hàng năm, Hội đồng tổ chức thẩm định và trao Tặng thưởng các tác giả có tác phầm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc và hỗ trợ xuất bản cho các bản thảo sách có chất lượng cao. Tính đến tháng 9 năm 2023, có 248 tác phẩm đã được trao Tặng thưởng; có 147 bản thảo được hỗ trợ xuất bản thành sách chuyên khảo…

Qua 20 năm hình thành và phát triển có 7 đồng chí là Lãnh đạo và Ủy viên Hội đồng được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật và khoa học, công nghệ; có 25 đồng chí là Lãnh đạo và Ủy viên Hội đồng được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và khoa học, công nghệ và nhiều giải thưởng danh giá khác.

Tham dự buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và biểu dương nỗ lực, sáng tạo và thành tích mà Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã đạt được trong 20 năm qua. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương từng bước khẳng định vai trò, vị thế, uy tín trong đời sống văn học, nghệ thuật; không ngừng đổi mới, sáng tạo cả nội dung và phương thức hoạt động; tập hợp, kết nối trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhất là đội ngũ lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước, góp phần thiết thực thúc đẩy sự phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà”.

Chia sẻ với VOV2, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ: “20 là một hành trình đầy ý nghĩa, 20 năm ấy biết bao nhiêu tình, nhưng mà một điều nằm lòng với những người làm lý luận là dứt khoát không được xơ cứng, không được giáo điều, không được máy móc. Trong lý luận cái tình là cực kỳ quan trọng. Và quan trọng hơn nữa là cái tình ấy phải song hành cùng nền tảng lý luận, cái tình phải có lý trí để soi đường. Khi đó lý luận mới có giá trị. Đấy cũng chính là điều chúng tôi mong muốn”.

Là thành viên trẻ nhất đồng thời là người dân tộc thiểu số của Hội đồng, nhà văn Niê Thanh Mai. Chủ tịch Hội Văn học Nghệ Thuật Đăk Lăk, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho rằng, không chỉ dừng lại ở các công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình cấp nhà nước, những hoạt động thiết thực của Hội đồng còn tác động mạnh mẽ đến hoạt động sáng tác, nghiên cứu, phê bình ở các địa phương, đặc biệt là đối với lực lượng sáng tác trẻ ở những vùng đặc trưng như Tây Nguyên.

“Hội đồng có mối quan hệ khăng khít với các Hội địa phương. Từ những lớp bồi dưỡng, hội nghị tập huấn chúng tôi thấy rằng Hội đồng đã góp phần nối kết các bạn trẻ với nhau và đồng thời khơi dậy lên những khát khao sáng tác, thúc đẩy các hoạt động lý luận phê bình tại các Hội văn học nghệ thuật địa phương. Chúng tôi rất mong muốn có nhiều hoạt động của Hội đồng về nhiều địa phương hơn nữa, đặc biệt là đối với vùng Tây Nguyên để tiếp tục là những cú hích đối với lực lượng trẻ - đó thực sự là sự kết nối chúng tôi mong chờ” - Nhà văn Niê Thanh Mai bày tỏ.

Trả lời phỏng vấn của VOV2, TS Đoàn Văn Báu, Vụ Trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, văn học nghệ thuật là sự kết nối, truyền cảm hứng cho cộng đồng, vì thế cần sự sáng tạo không giới hạn. "Tuy nhiên, mọi sáng tạo để phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước, vì thế vai trò của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật có vai trò rất quan trọng trong sự định hướng, trong sự kết nối lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức để cùng chung tâm sức, trí tuệ cho sự nghiệp chung”.

Để tiếp tục khẳng định vị thế của Hội đồng trong tiến trình phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn: “Hội đồng phát huy tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa Đảng và đội ngũ văn nghệ sĩ. Phát huy bài học kinh nghiệm qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, tiếp tục xây dựng cơ quan Hội đồng ngày càng chuyên nghiệp, vững mạnh toàn diện, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Từng thành viên Hội đồng nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm, không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, uy tín chuyên môn; phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ chung”.

Tại buổi lễ, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Ban Biên tập Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chính thức khai trương Tạp chí điện tử với tên miền https://lyluanphebinh.vn, đánh dấu bước phát triển mới về nội dung, hình thức, công nghệ của Tạp chí, nối dài kênh thông tin, mở rộng diễn đàn nghiên cứu, trao đổi học thuật về văn học, nghệ thuật trên nền tảng số và kết nối internet.