Hội nghị - Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá các chính sách quản lý di sản hiện tại, từ đó đề xuất các ý tưởng đổi mới; các bài học hữu ích từ thực tiễn nhằm tăng cường ý thức cộng đồng và hiệu quả của công tác bảo tồn; những góc nhìn mới về di sản văn hóa, đặc biệt là trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các nghiên cứu mới về di sản đã mở ra những hướng đi mới cho công tác bảo tồn di sản.

Hội nghị - Hội thảo đã nhận được 30 ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu. Các đại biểu bày tỏ sự ấn tượng với những thành quả đạt được trong suốt 65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của Việt Nam. Tất cả những nỗ lực này đều hướng tới mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc và phát triển bền vững đất nước.

Từ những văn bản đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa, như Sắc lệnh số 65 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành năm 1945; Pháp lệnh về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh năm 1984; Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 cho đến Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15 lần này, công tác thể chế và nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa ngày càng được nâng cao, phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, 65 năm qua, cùng với tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá ngày càng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta quan tâm, coi trọng, để lại nhiều dấu ấn và thành quả. Hiện nay, trên cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê.

Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã khẳng định là một trong những nước thành viên tích cực tham gia các Công ước của tổ chức UNESCO (phê chuẩn 4 trong số 6 Công ước của UNESCO), đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại.

“Di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, trên con đường phát triển, chúng ta cần phải nhận diện được một số khó khăn, thách thức để cùng vượt qua”, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền khẳng định.

Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương ghi nhận và biểu dương những thành tích mà ngành di sản văn hóa đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2024 này - năm kỷ niệm 65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đồng thời, để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị toàn ngành tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là:

Tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Đề án, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa - nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi phát triển du lịch.

Cần tập trung vào công tác nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về di sản văn hóa, đặc biệt là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa năm 2024, tạo thành hành lang pháp lý thuận lợi để công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả trên thực tế.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ trung ương đến địa phương. Chủ động nắm bắt các thông tin phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa.

Tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa, khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh mềm, nội sinh của văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình số hóa di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.

Cần tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa của các quốc gia trên thế giới, theo kịp với xu hướng bảo tồn gắn liền với phát triển bền vững của quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. Tham gia hiệu quả, với vai trò là thànhviên tích cực, có trách nhiệm đối với các cơ quan chuyên môn của UNESCO, giúp quảng bá giá trị di sản văn hóa Việt Nam và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới tư duy của đội ngũ công chức, viên chức trong ngành về vị trí, vai trò, xu hướng phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.