Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có khoảng 8000 lễ hội, trong đó, phần lớn là lễ hội dân gian, ngoài ra là các lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo, lễ hội văn hóa du lịch, ngày hội văn hóa… Như vậy, trung bình cả nước có hơn 20 lễ hội mỗi ngày. Số lượng lễ hội lớn, lại tập trung chủ yếu vào mùa Xuân, dẫn đến khó tránh khỏi các biểu hiện tiêu cực, những vấn đề nổi cộm gây bức xúc.
Các lễ hội tập trung đông người là điều kiện thuận lợi để các nhóm đối tượng hoạt động móc túi, cướp giật… với nhiều thủ đoạn tinh vi. Nhiều bất cập trong công tác tổ chức, quản lý, dẫn đến tình trạng lộn xộn, chen lấn, xô đẩy, gây ùn tắc giao thông, mất trật tự, văn minh lễ hội; tình trạng tư thương tự do nâng giá, ép giá các loại dịch vụ như: giá nhà trọ, gửi xe, ăn uống…
Thêm vào đó, các lễ hội thường tổ chức ngoài trời nên dịch vụ ăn uống ở không ít nơi còn mang tính tạm bợ, chật chội, lều quán đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu phương tiện thu gom chất thải, điều kiện bảo quản, chế biến thực phẩm không an toàn. Môi trường ô nhiễm với khói bụi, ruồi muỗi... càng tăng độ mất an toàn cho thực phẩm đường phố, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Theo TS Phạm Huỳnh Công, nguyên Chánh Thanh tra Tổng cục Du lịch Việt Nam (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), thực tế vài năm trở lại đây, hoạt động quản lý lễ hội được thực hiện theo cách phân cấp, phân quyền rõ hơn, do vậy đã đem lại những thay đổi tích cực. Địa phương quyết, địa phương bàn, địa phương làm và chịu trách nhiệm… từ đó, công tác tổ chức, triển khai thực hiện cũng bài bản, chính quy và đi vào nền nếp hơn.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Huỳnh Công, ở nhiều địa phương, dù đã được tính toán, triển khai khá bài bản, song vẫn rất khó để kiểm soát do lượng người tham gia lễ hội quá lớn. "Lực lượng chức năng cũng có hạn, không đủ người để xử lý các hành vi vi phạm. Và khi mà du khách vẫn luôn nơm nớp trong mình nỗi lo bị “chặt chém”, bị lừa đảo, thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng... thì câu chuyện lễ hội du Xuân sẽ vẫn là nỗi trăn trở".
Năm nay là năm thứ 2 các địa phương thực hiện triển khai "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, cùng với những căn cứ pháp lý khác, nhằm giúp cho việc quản lý lễ hội được sâu sát hơn trong thực tiễn.
"Để tăng cường quản lý lễ hội, cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, từ bộ, ngành cho đến các địa phương nơi có lễ hội. Phải hiểu được vị trí, vai trò của lễ hội trong nền văn hóa Việt Nam. Nếu làm tốt, làm hay thì chúng ta thực hiện được ý Đảng lòng dân - như lời Bác Hồ "văn hóa soi đường cho quốc dân đi"... Và một điều quan trọng không thể không nhắc đến đó chính là ý thức của những người tham gia lễ hội", TS Phạm Huỳnh Công nêu quan điểm.
Tham gia lễ hội, đặc biệt trong những ngày đầu Xuân như thế này là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của người dân. Đây cũng là để góp phần khôi phục hoạt động của ngành văn hóa du lịch. Tuy nhiên, để có những mùa lễ hội không bị bát nháo, thì việc tăng cường công tác quản lý, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và các tệ nạn xã hội; đồng thời, tích cực tuyên truyền, cảnh báo để người dân, du khách nâng cao ý thức, văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường... khi tham gia lễ hội là điều vô cùng cần thiết.
Có như vậy mới xây dựng được nét đẹp văn hóa lễ hội, giúp lễ hội khẳng định được giá trị trong xu thế hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới.