Phóng viên: Thưa nhà nghiên cứu Trịnh Bách, tìm hiểu kỹ về lịch sử áo dài có thể thấy rằng, kiểu mặc áo dài đến chân là của chung rất nhiều dân tộc Á Đông. Thế thì từ điểm nào để có thể phân biệt sự khác biệt giữa chiếc áo dài Việt Nam với những trang phục truyền thống của Trung Quốc hay Ấn Độ, Pakistan?

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách: Áo dài của Pakistan rất giống Việt Nam, chỉ khác cách cài khuy thôi. Và họ đã nhận là Quốc phục của họ từ năm 1947 cơ! Nói về sự khác biệt của áo dài Việt Nam so với những nước dùng cùng loại áo dài như của Pakistan là ở chỗ: áo dài Việt Nam mình dám phô thân thể! Chiếc áo dài của Pakistan họ không được bóp eo, cũng không được xếp ly. Cái đó trong văn hóa Hồi giáo của họ là gợi dục, họ cấm tuyệt đối! Áo dài Việt Nam thì được làm thế. Dù có những lúc áo dài Việt Nam không xếp ly nhưng vẫn ôm theo người như những năm 50 chẳng hạn. Nó làm nên đặc trưng của áo dài Việt Nam.

Thứ 2 nữa là, cái cách cài khuy giấu ở 2 bên hông làm cho áo dài nước mình có vẻ dịu dàng hơn áo dài của họ. Hơn nữa, sự nổi tiếng của áo dài Việt Nam cũng khiến nó có ưu thế hơn về mặt nhận biết. Ví dụ như chiếc áo dài Shalwar Kameez mà Pakistan coi là Quốc phục đó, thì Từ điển Bách khoa Thế giới cũng chỉ giới thiệu sơ sài. Trong khi nghe đến “áo dài” ta biết ngay là của Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, áo dài ngày nay về mặt hình thức có khác ngày xưa. Vậy những nguyên nhân nào khiến áo dài trải qua thời gian bị mất đi những yếu tố nguyên bản truyền thống?

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách: Thật ra áo dài truyền thống Việt Nam bao giờ cũng tồn tại, chưa bao giờ mất đi. Hình dạng nguyên bản của nó là có 5 thân, vì vải khổ nhỏ quá phải nối thành 5 thân. Rồi dần dần, khổ rộng hơn thì không phải nối nữa nên trở thành 3 thân (vẫn giữ thân trong). Rồi đến khoảng những năm 1967 - 1968, trào lưu Hippy qua, áo dài chịu ảnh hưởng trở thành 2 thân, nhưng hình dáng vẫn giữ nguyên như áo dài ngũ thân cổ truyền. Áo dài 5 thân có từ thế kỷ 17. Nói thế để thấy, đâu phải bây giờ mới có trào lưu cách tân áo dài.

Hồi đầu thế kỷ 20 đã có những người mặc áo dài hơi hở cổ ra một chút để khoe chuỗi hột trang sức, hay họ dùng khuy lớn hơn, rồi đến áo cát tường, bây giờ thì vô vàn kiểu áo cách tân. Thế nhưng các kiểu cách tân hiện ra rồi lại biến mất, chỉ có kiểu dáng truyền thống là vẫn nằm đó, vẫn tồn tại.

Ví dụ chiếc áo dài cách tân của nam bây giờ, nhiều cậu mặc có hàng khuy chạy từ cổ qua đến nửa ngực bên trái rồi chạy xuống chứ không phải cài qua bên hông. 100% cái áo đó là áo Arkhan của người Ấn Độ, họ đã mặc kiểu áo như thế lâu lắm rồi. Tôi cho đó là những cách tân không đẹp, không hợp. Cái đó theo thời gian rồi nó sẽ biến đi thôi. Bao nhiêu cách tân từ những năm 40 - 50 rồi cũng biến mất, chỉ còn truyền thống vẫn tồn tại mãi.

Phóng viên: Vậy theo ông chúng ta nên làm thế nào để áo dài được mặc nhiều hơn trong đời sống hiện đại? Bởi chúng ta thấy ngoài các bà các cô vẫn hay mặc thì đàn ông có vẻ hơi ít mặc áo dài.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách: Cái đó phải nhờ vào truyền thông rồi! Nếu đưa nhiều hình ảnh áo dài nam lên, người ta trông thấy quen mắt rồi thì họ sẽ theo. Rồi cổ động mặc trong những dịp hội hè hay Tết. Tôi hỏi nhiều bà tại sao không mặc áo dài, thì họ trả lời là vướng víu quá. Nhiều người vẫn sợ áo dài. Cho nên phải do giới truyền thông đưa lên thôi. Chứ các nhà tạo mẫu, nhà thiết kế có làm ra những chiếc áo dài đẹp đúng chuẩn mà không được quảng bá thì cũng không hiệu quả.

Phóng viên: Thưa ông, vì nhiều lí do mà đến nay Việt Nam vẫn chưa có một văn bản chính thức xác nhận áo dài là trang phục truyền thống của VN; khiến cho đâu đó thỉnh thoảng lại có những câu chuyện những quốc gia khác họ nhận “những thứ giống áo dài” là quốc phục của họ. Theo ông có cần thiết phải đưa ra một văn bản như thế không?

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách: Cần phải hiểu là trên thế giới gần như không tồn tại khái niệm “quốc phục”. Họ có trang phục truyền thống thôi, chứ không có quốc phục; chỉ có 1 nước duy nhất là Pakistan nhận chiếc áo Shalwar Kameez là Quốc phục. Còn trên thế giới, kimono cũng không được gọi là Quốc phục của Nhật Bản; Han-bok cũng không là Quốc phục mà chỉ là áo truyền thống của Hàn Quốc thôi. Của mình từ xưa các cụ vẫn gọi là “Áo ta” để đối với “Áo tây”. Còn nếu công nhận Quốc phục hay không thì văn bản đó phải do giới chức Chính phủ thực hiện.

Phóng viên: Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Trịnh Bách về những chia sẻ vừa rồi!

Nghe cuộc trao đổi tại đây: