Diễn đàn là cơ hội để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết đầu tư, góp phần đưa du lịch các tỉnh trong vùng, nhóm liên kết phát triển nhanh và bền vững.

Bắc Giang gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm, với Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, được đặt trong mối liên hệ với các khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, Quảng Ninh; khu Di tích lịch sử, văn hóa Thanh Mai - Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Đặc biệt, đối sản phẩm du lịch nông thôn, phải nhắc đến huyện Lục Ngạn, miền đất xứng danh là “Miền trái ngọt, thủ phủ trái cây của miền Bắc”. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng rất nhiều ưu đãi về thổ nhưỡng và khí hậu, để cùng với những con người cần cù, chịu thương, chịu khó xây dựng lên vùng chuyên canh, thâm canh kỹ thuật cao với nhiều loại cây ăn quả nổi tiếng khắp cả nước và vươn xa thế giới. Lục Ngạn không chỉ được biết đến là thủ phủ của vải thiều mà còn là vùng trọng điểm phát triển nhiều loại cây ăn quả như cam, bưởi, táo, ổi...

Hiện nay, Lục Ngạn có gần 28 nghìn ha cây ăn quả các loại, là một trong những vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc. Trong đó, hơn 17,4 nghìn ha vải thiều, sản lượng năm 2022 đạt 126,6 nghìn tấn, tổng giá trị sản xuất đạt 3,8 nghìn tấn…

Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: "Thời gian qua, huyện Lục Ngạn luôn dành nguồn lực để chú trọng xây dựng vùng cây ăn quả mang đặc trưng, xứng tầm với thương hiệu vựa trái cây miền Bắc. Với lợi thế về khí hậu và địa hình, huyện Lục Ngạn xác định, cây có múi sẽ là cây phát triển kinh tế hộ gia đình, nhờ đó đến nay cây cam, bưởi và các loại cây có múi trên địa bàn huyện đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu của mình".

Du lịch Bắc Giang có nhiều thế mạnh, tiềm năng phát triển, được các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo. Tuy nhiên việc phát triển được cho là chưa tương xứng. Quá trình triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa theo kịp yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Các dự án, loại hình dịch vụ du lịch chất lượng, các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm phục vụ du lịch còn hạn chế; chưa có nhiều phương tiện vận chuyển đưa đón khách du lịch đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn; chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính biểu trưng, độc đáo, hấp dẫn... làm ảnh hưởng đến cơ cấu, loại hình sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh.

Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian tới tỉnh tập trung xây dựng và khai thác 4 sản phẩm chính gồm: du lịch văn hóa- tâm linh; du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với cùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Qua đó, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Khẳng định du lịch Bắc Giang là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, mến khách với thương hiệu du lịch “Về miền đất thiêng Tây Yên Tử”, “Về miền trái ngọt”…