Lương Đắc Bằng sinh năm 1475, mất năm 1526 có tên thật là Lương Ngạn Ích, tên chữ là Tử Lăng. Nhưng vì có rất nhiều công lao cho triều đình nhà Lê lúc bấy giờ nên ông được Vua đổi tên thành Lương Đắc Bằng.

Lương Đắc Bằng từ bé đã thông minh hiếu học, được cha là Lương Hay dạy dỗ và khi khoảng 10 tuổi thì theo học người bác họ là Trạng Lường Lương Thế Vinh. Không phụ công thầy, năm 21 tuổi tức năm 1496 Lương Đắc Bằng thi Hương đậu giải Nguyên, khi thi Hội thì đỗ Hội Nguyên. Đến năm 1499 niên hiệu Cảnh Tống, đời vua Lê Hiến Tông thi Đình ông đậu Bảng nhãn.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, đây cũng là khoa thi đặc biệt trong lịch sử khoa cử Việt Nam bởi khoa thi này là khoa thi đầu triều của vua Lê Hiến Tông cho nên có rất nhiều người dự thi. Thứ 2 là lấy đỗ được rất nhiều người và đỗ đủ cả các giáp, các danh. Khoa thi này có đủ cả Đệ nhất giáp tam danh, có cả Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa mà Lương Đắc Bằng là một trong 3 vị đó. Nhưng đến Đệ Nhị giáp tức là Hoàng giáp Tiến sĩ thì lần đầu tiên có hơn chục vị Hoàng giáp, rồi Đệ Tam giáp cũng thế. Đây là một khoa thi có thể gọi là mưa danh vị cho các sĩ tử, những người trở thành nhân tài, những người được trọng dụng của đất nước.

Khi bắt đầu ra làm quan, Lương Đắc Bằng được cử giữ chức quan Thị độc, sau đó thăng lên làm Tả Thị lang. Năm 1510 ông giữ chức Lại bộ Thượng thư và giữ chức này qua 4 đời vua là Lê Hiến Tông, Lê Tương Dực, Lê Uy Mục, Lê Chiêu Tông. Dù làm quan dưới cương vị nào thì ông vẫn luôn nổi tiếng là người cương trực, thẳng thắn, nhìn xa trông rộng và được nhiều người kính trọng.

Trong lịch sử nước nhà, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng không chỉ nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, chính trực, một người thầy mẫu mực của nhiều quan lại, trí thức đương thời mà còn được biết đến với tư cách là tác giả của Trị bình thập tứ sách - 14 sách lược trị nước mà theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, nếu được thực thi trên diện rộng, rất có thể nhà Lê Sơ sẽ không đi vào giai đoạn suy vong.

14 điều trong Trị bình thập tứ sách rất ngắn gọn nhưng lại tập trung vào việc đề xuất xây dựng, kiến nghị những vấn đề phải khắc phục như thế nào. Đây là tư tưởng rất hiện đại của một người dám nói, dám bày tỏ suy nghĩ của mình với vương triều.

Dù đã đạt nhiều thành tựu khi làm quan nhưng cuộc đời của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng còn nổi tiếng hơn, rạng danh hơn khi ông lui về quê dạy học. Với triết lý “Tiến vi quan, thoái vi sư”, ông đã dùng tất cả những đạo học, những triết lý của mình để truyền đạt lại cho các thế hệ học trò. Và ông đã đào tạo được rất nhiều nhân tài giúp ích cho triều đình, cho đất nước. Những học trò của Lương Đắc Bằng sau này đều là những người thành đạt và nổi tiếng như: Tiến sĩ Đinh Bạt Tụy, Bảng nhãn Nguyễn Mẫu Đối, Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hưu, Hoàng giáp Lại Kim Bảng, nhưng nổi tiếng hơn cả là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Sự nghiệp và những đóng góp của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng cho đất nước đã chứng tỏ ông là một người tài năng, có học vị uyên thâm và đạo đức. Ông là người thầy vô cùng mẫu mực, tài giỏi của lịch sử nước nhà. Ngày nay chính tại quê hương ông Hoằng Hóa, Thanh Hóa cũng có đền thờ và khu di tích để tưởng nhớ và ghi công của ông đối với đất nước.

Mời nghe âm thanh tại đây: