Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định có địa chỉ tại145 Trần Quang Khải, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi nhà từng là nơi hoạt động bí mật của biệt động dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai). Sau năm 1975, chủ nhà chia làm ba căn để bán cho những người khác. Hiện, gia đình ông Trần Văn Lai đã mua lại một phần tầng trệt và hai tầng còn lại để xây dựng bảo tàng.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (người hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc tỉ phú Mai Hồng Quế, Năm USOM - thầu khoán dinh Độc Lập). Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ 6 tại thành phố mang tên Bác.
Buổi lễ công bố thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo Thành phố, các nhân chứng lịch sử, gia đình liệt sĩ... Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Trần Trọng Nghĩa - Giám đốc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, cháu Nội Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai xúc động chia sẻ: "Ông nội tôi đã cùng các đồng đội viết nên những trang sử hào hùng trên mảnh đất này. Được sự giúp sức, đồng hành của các cơ quan, đoàn thể: Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang - Biệt động, Hội Di sản Văn hóa và Bộ Tư lệnh Thành phố, chúng tôi đã phục dựng lại được ngôi nhà và xây dựng bảo tàng này. Căn nhà được giữ nguyên kiến trúc. Trong thời chiến, địa điểm này là nơi thực hiện các nhiệm vụ bí mật của Biệt động Sài Gòn như hội họp, trao đổi thư từ, tài liệu, cung cấp tiền vàng ra chiến khu... Gia đình chúng tôi vẫn luôn cố gắng sưu tầm thêm các hiện vật để lưu giữ lại các giá trị lịch sử, mở một điểm tham quan mới cho người dân, khách du lịch khi đến TP. HCM".
Để có được Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là một hành trình dài sưu tầm và phục dựng kỷ vật, chuộc lại rồi phục dựng ngôi nhà, những căn hầm, kỷ vật từng ghi dấu quá trình hoạt động đầy huyền thoại của Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Hiện bảo tàng lưu giữ và trưng bày hơn 300 hiện vật, tư liệu hình ảnh gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng của ông Trần Văn Lai và lực lượng Biệt động Sài Gòn như: hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân, xe các chiến sĩ đã dùng đi lại, vật dụng sinh hoạt...
Ông Trần Trọng Nghĩa - Giám đốc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định cho biết, trong tương lai sẽ tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm hiện vật và xây dựng bảo tàng theo hướng số hóa để có thể lưu giữ và tra cứu dữ liệu hiện vật một cách thuận tiện hơn. Ngoài ra, cũng sẽ ứng dụng công nghệ 3D, VR (thực tế ảo) để tái hiện lại các sự kiện quan trọng và không gian liên quan đến Biệt động Sài Gòn - Gia Định, để người xem có cái nhìn tổng quát hơn, chân thực hơn về di sản lịch sử Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Sau lễ công bố quyết định, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định chính thức đi vào hoạt động. Thời gian mở cửa từ 7h30 đến 17h hằng ngày.