Chiều 22/6, tại số 81 phố Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Ban giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổ chức gặp mặt các chuyên gia, cộng tác viên, các cơ quan thông tấn, báo chí nhân dịp chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm trưng bày Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ ngày 6/7 tới đây.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được UBND Hà Nội ra quyết định thành lập ngày 30/12/2020 theo Quyết định số 5764/QĐ-UBND và theo nguyện vọng của các thành viên gia đình Đại tướng với hình thức là bảo tàng ngoài công lập, thuộc sở hữu của gia đình Đại tướng.
Chia sẻ với báo chí chiều 22/6/2023, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cho biết ông và các thành viên trong gia đình đã đóng góp để xây dựng bảo tàng với quy mô tối thiểu, không thu tiền bên ngoài hay xin kinh phí từ Nhà nước. Về chức năng của bảo tàng, gia đình cũng không có ý định tôn vinh thêm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà chỉ kỳ vọng bảo tàng sẽ đóng góp nguồn tư liệu quý về lịch sử của quân đội và đất nước.
Ngay sau khi có quyết định thành lập, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã mời các chuyên gia lĩnh vực bảo tàng, lịch sử, mỹ thuật tư vấn lập không gian trưng bày, bổ sung tư liệu, hiện vật, triển khai xây dựng đề cương chính trị, đề cương trưng bày, thiết kế mỹ thuật trưng bày. Đồng thời xin cấp phép và triển khai xây dựng công trình nhà trưng bày Bảo tàng tại số 81 Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Theo Ban Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết, thiết kế kiến trúc tòa nhà bảo tàng được lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ những ký ức của các thành viên gia đình Đại tướng với nhiều kỷ niệm sâu sắc mà ông và gia đình đã ở từ năm 1958-1986. Nơi đây không chỉ từng là nơi sinh sống của gia đình Đại tướng mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964, bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cũng tại ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế (nay là trụ sở Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam), gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm.
Chia sẻ về những thông tin liên quan đến ý tưởng làm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, thực ra gia đình có ý tưởng từ tháng 11/1986 khi gia đình Đại tướng trả nhà cho Nhà nước. “Lúc đó phải đưa toàn bộ bàn thờ, tất cả những gì tái hiện lên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào miền Nam vì ở Hà Nội không có nhà nên trong tâm trí tôi đã suy nghĩ, sẽ đến lúc làm lại chỗ thờ để đặt lại những thứ đã thờ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.
Đến năm 2008, khi gia đình được Nhà nước cấp, bán cho đất ở 47 Phan Đình Phùng, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dành một không gian lưu giữ đồ lưu niệm của ông. Năm 2013, khi làm lại nhà, làm phòng truyền thống, lúc đó theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyện vọng của gia đình là vẫn muốn làm một khu lưu niệm độc lập. "Sau khi tôi nghỉ hưu, gia đình đã đóng góp để xây Bảo tàng. Tất cả anh chị em ủy quyền cho tôi xây đúng như cũ…" – Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.
Với hơn 300 ảnh, 220 hiện vật, hơn 150 tài liệu giấy, 23 pho tượng đồng gắn với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không gian trưng bày của Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được chia thành 8 chủ đề chính: Quê hương - Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 6/7; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình - hành trình tiếp nối. Ngoài ra còn có các tiểu đề về Bình Trị Thiên khói lửa, Nông nghiệp, Đối ngoại, Văn hóa văn nghệ, Thể thao, Ông tướng du kích... Bên cạnh đó, tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn bố trí 2 không gian tái hiện là phòng làm việc trước đây của Đại tướng ở căn nhà 34 Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương Cục miền Nam. Cùng với đó là không gian trưng bày hơn 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng. Đặc biệt, hệ thống phim tài liệu sẽ góp phần minh họa sinh động về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Một trong những điểm đặc biệt của bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh so với bảo tàng danh nhân khác là 23 cụm tác phẩm tượng đồng mô phỏng lại cảnh sinh hoạt và cuộc gặp quan trọng của ông với những chính khách, những tướng lĩnh quân đội…
Trong cuộc gặp gỡ, tọa đàm chiều 22/6/2023, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia như nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh… nhằm xây dựng hoàn thiện bảo tàng.
Dự kiến, trong quá trình tiếp tục hoàn thiện, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội sẽ tiến hành mở cửa đón khách tham quan, đóng góp ý kiến từ ngày 6/7 nhân dịp tưởng niệm 56 năm ngày đại tướng từ trần. Tới ngày 1/1/2024 sẽ chính thức khánh thành nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông (1/1/1914 – 1/1/2024).
Trước đó, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên - Huế đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổ chức khánh thành và chính thức mở cửa đón khách tham quan vào ngày 4/7/2022.
Cùng với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Huế, Bảo tàng tại Hà Nội sẽ là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và là nơi lưu giữ, lan tỏa những giá trị lịch sử.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Ông tham gia cách mạng từ năm 1934 và được phong hàm Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 1959.
Từ năm 1965 đến năm 1967, ông được phân công vào Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam.
Năm 1967, thời điểm chuẩn bị vào Nam để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời.
Ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Cúc và có 4 người con. Trong đó, nổi bật nhất là thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.