The Truman Show (1998) do Jim Carrey thủ vai là bộ phim về một người đàn ông tên Truman Burbank bị biến thành nhân vật chính trong chương trình thực tế về cuộc đời của anh mà không hề hay biết. Hơn 5.000 máy quay được đặt khắp nơi soi rõ từng ngóc ngách cuộc đời của Truman, dựng lên một sân khấu và khiến anh tin rằng mọi thứ đều là thật. Cảnh cuối cùng của phim là hình ảnh Truman đang tìm cách để thoát khỏi chiếc lồng đã giam giữ mình suốt bao lâu.

Hình ảnh Truman chạm tay vào bức tường bầu trời sơn màu - hiện là áp phích chính thức cho liên hoan phim Cannes 2022, sẽ được chiếu trong các chương trình, dựng trên khắp các con đường ở Palais, địa điểm tổ chức LHP. Sở dĩ ban tổ chức chọn hình ảnh đó vì nó “đại diện cho một lễ kỷ niệm đầy thi vị về hành trình thể hiện cảm xúc và tự do”. Đó là mối quan tâm hàng năm về LHP Cannes. Liệu Cannes 2022 sẽ nối gót những LHP thành công trong quá khứ, là cách để đương đầu với những khó khăn toàn cầu hay lại vướng phải tai tiếng?

Liên hoan phim Cannes lần thứ 75 là thời điểm thích hợp để nhìn lại quá khứ, vinh danh lịch sử của nó như nơi tôn vinh những trào lưu điện ảnh táo bạo như Nouvelle Vague (Làn sóng điện ảnh mới ở Pháp), New Hollywood, sân khấu của điện ảnh Mỹ Latinh, nhưng cũng là cơ hội để hoạch định tương lai. Những bộ phim của các đạo diễn David Cronenberg, Claire Denis, George Miller, Kelly Reichardt góp mặt trong đội hình tranh giải năm nay đều được đánh giá cao, đủ để khán giả tạm quên đi những vấn đề như khủng hoảng kinh tế, đại dịch Covid-19 hay cuộc chiến Nga – Ukraine.

Năm nay có vẻ là một năm may mắn với Mike Goodridge, nhà sản xuất người Anh có 2 bộ phim được đề cử. Danh sách đề cử còn có phim Triangle of Sadness của Ruben Östlund và Tchaikovsky’s Wife của đạo diễn người Nga Kirill Serebrennikov (Cannes cấm các đoàn đại biểu chính thức của Nga nhưng vẫn chào đón các nghệ sĩ với tư cách cá nhân).

Goodridge đến Cannes lần đầu vào năm 1991. Ông từng là một nhà báo đưa tin về LHP, rồi trở thành người đi bán phim và giờ là đạo diễn có phim tranh giải. Với ông, Cannes vẫn là liên hoan phim có sức hút nhất thế giới: “Cannes được tổ chức với mục đích bảo vệ nghệ thuật thiêng liêng của điện ảnh. Và Cannes là nơi khám phá, là thánh đường cuối cùng của điện ảnh. Nó sẽ thay đổi cuộc sống của bạn và cách bạn nhìn thế giới”.

Tất nhiên, Cannes cũng có mặt trái. “Có lẽ điều tồi tệ nhất ở Cannes – như bản chất xưa nay của nó - là quá nặng về chủ nghĩa tinh hoa đôi khi đến mức hợm hĩnh. Và có lẽ Cannes cần được “thay máu” khi những gương mặt cũ vẫn xuất hiện ở hầu hết các mùa”. Những mâu thuẫn nội tại của Cannes là vừa nghiêm túc vừa ngớ ngẩn, vừa đề cao thứ bậc nhưng cũng lại rất dân chủ. Bên cạnh những bộ phim đầy tính nghệ thuật là một thị trường chuyên bán những phim 18+. Bến cảng về đêm là địa điểm lí tưởng để những nhà tài phiệt tổ chức những tiệc điện ảnh trên du thuyền hạng sang, chiếu những bộ phim chủ nghĩa hiện thực xã hội từ ​​Bucharest hoặc Timbuktu.

Goodridge so sánh Cannes như một thánh đường, một bức tường hay ngọn hải đăng trong cơn bão không có người canh gác nên dễ gặp phải sự cố. Cannes tồn tại để phản ảnh những hiện thực bất công đang diễn ra. Thật không sai khi coi Cannes như ngọn hải đăng, trung thực, kiên cường và bất khuất.

Khi nói về thời kỳ hoàng kim của Cannes, mọi người luôn nhắc đến cuộc biểu tình vào tháng 5/1968 khiến LHP năm đó phải bế mạc sớm. Từ xa xưa, Cannes đã không tách rời các hình thức biểu đạt quan điểm, ý kiến. Nó ra đời như một hình thức phản kháng, đối nghịch lại với chủ nghĩa phát xít ở Italy. Buổi lễ khai mạc ngày 1/9/1939 đã khai sinh LHP Cannes nhưng bị huỷ ngay sau đó, khi Hitler cho xe tăng xâm phạm vào biên giới Ba Lan. Khi nói về Cannes, nhà văn Pháp Agnès Poirier cho rằng: “Hơn bất kì lễ hội nào khác, LHP Cannes chưa bao giờ ngại việc thể hiện lập trường rõ ràng với thế giới”.

17cannes-live-header2-jumbo-16528267539651678525748.jpg

Cannes được xây dựng trên tinh thần hòa nhập, bao dung và đồng cảm với các nền văn hóa khác. Đó là lí do tại sao Cannes luôn hướng tới những nghệ sĩ dám thể hiện quan điểm rõ ràng, làm sáng tỏ sự bất công. Nếu như bộ phim Donbass của Sergei Loznitsa là hồi chuông cảnh báo về một cuộc khủng hoảng bùng phát ở miền đông Ukraine thì phim Loveless của Andrey Zvyagintsev cảnh báo về khủng hoảng đạo đức đang lan tràn trong tầng lớp trung lưu ở Moscow.

Poirier nói: “Có lẽ ở Anh Cannes được coi là một thứ gì đó phù phiếm, nhưng với người Pháp thì không, đó là tầng lớp chính trị, là trường đại học địa chính trị và cũng là nơi để tìm hiểu kiến ​​thức về những nơi chúng tôi chưa từng đến thăm trên thế giới".