Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước; với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước.

Nhận thức sâu sắc về tiềm năng và giá trị của các Làng nghề, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống; Thành phố đã ban hành Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Thành phố đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô.

"Hiện nay, thế giới có 68 làng nghề thuộc 28 quốc gia được công nhận là thành viên của Mạng lưới các Thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới. Việc hai làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc được Hội đồng Thủ công Thế giới công nhận là thành viên của Mạng lưới các Thành phố Thủ công sáng tạo thế giới không chỉ là niềm tự hào mà còn là minh chứng cho những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thời đại hiện nay. Lễ đón nhận danh hiệu không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Hà Nội đến với bạn bè quốc tế, thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư. Đồng thời, sự kiện này cũng là động lực để các làng nghề tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững", ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Thăng long, Hà Nội vốn nổi tiếng là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước không chỉ bởi với các di tích lịch sử, di sản văn hóa mà còn bởi những làng nghề truyền thống vốn đã đi vào sử sách, thơ ca. Hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc không chỉ là những biểu tượng của nghề thủ công truyền thống Việt Nam, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, kết tinh từ tài hoa cùng tâm huyết của các nghệ nhân, thợ giỏi.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, chủ cơ sở dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão, Vạn Phúc, Hà Đông là người đã khôi phục lại được những sản phẩm tơ lụa tưởng chừng đã thất truyền như lụa Vân - thứ lụa đặc biệt có hoa văn nổi như mây trên mặt lụa mượt mà. Để làm được điều đó, bà Tâm đã không quản khó khăn đến học hỏi các cụ nghệ nhân cao niên trong làng, xin những mẫu lụa cổ về tỉ mỉ tìm hiểu hoa văn và cách người xưa dệt lụa Vân. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cuối cùng, bà Tâm đã thành công khi tìm được bí quyết dệt lụa Vân tưởng mãi mãi bị thất truyền. Sản phẩm lụa Vân của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm được đánh giá rất cao, đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Vì thế, khi làng nghề dệt lụa Vạn Phúc chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm vô cùng vui mừng bởi bà biết nhiều cơ hội mới sẽ mở ra cho làng nghề.

Tại Lễ vinh danh Làng nghề gốm Bát Tràng và Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, ông Saad al-Qaddumi, Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới cho biết: Việt Nam, đặc biệt là các làng nghề truyền thống tại Hà Nội, từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tinh xảo, được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ. Từ những sản phẩm gốm sứ tinh mỹ của Bát Tràng đến những tấm lụa mềm mại của Vạn Phúc, đây không chỉ đơn thuần là kế sinh nhai, mà còn là những biểu tượng sống động của văn hóa, sáng tạo và tinh thần kiên cường của người Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng như nhiều cộng đồng thủ công khác trên thế giới, làng nghề Việt Nam đã trải qua vô vàn thử thách. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhiều ngành nghề và làng nghề thủ công truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, chúng ta đã chứng kiến một cuộc hồi sinh và phát triển mạnh mẽ - một minh chứng rõ nét cho tinh thần kiên trì, bền bỉ của con người Việt Nam.

Ông Saad al-Qaddumi cũng cho rằng, trong hơn 40 năm qua, chính phủ Việt Nam đã luôn quan tâm và đầu tư để khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, bao gồm lụa Vạn Phúc và gốm sứ Bát Tràng. Những nỗ lực này không chỉ giúp hồi sinh các kỹ nghệ thủ công tinh xảo mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới, đặc biệt là cho phụ nữ, giúp họ tham gia vào nền kinh tế và tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa cho các thế hệ tương lai.

"Khi tôn vinh hai làng nghề lụa Vạn Phúc và gốm sứ Bát Tràng, chúng tôi cũng đồng thời ghi nhận sự quyết tâm và nỗ lực của người dân Việt Nam, những người không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn đưa các ngành nghề truyền thống lên một tầm cao mới trên bản đồ thế giới. Thành công của Bát Tràng và Vạn Phúc là nguồn cảm hứng to lớn cho các quốc gia khác, chứng minh rằng với sự đoàn kết, đầu tư và tâm huyết, các ngành thủ công không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực kinh tế và niềm tự hào văn hóa. Tôi rất vui mừng được biết rằng Việt Nam đang tiếp tục đề xuất công nhận thêm các làng nghề truyền thống khác. Tôi tin tưởng rằng những đề cử này sẽ tiếp tục mang lại sự ghi nhận xứng đáng cho nền thủ công đặc sắc của Việt Nam, và chúng tôi mong chờ sẽ tiếp tục hợp tác và chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các cộng đồng làng nghề tuyệt vời này".

Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra khai mạc trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân trong nước và thế giới với nhiều không gian như: Lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng; không gian lụa và gốm của các nghệ nhân quốc tế; không gian văn hóa trà, ẩm thực và các sản phẩm OCOP…