Giáng Son bị Youtube "đánh gậy bản quyền" với chính sáng tác của mình

Gần đây, việc nhạc sĩ Giáng Son bị Youtube "đánh gậy bản quyền" với chính sáng tác của mình - ca khúc "Giấc mơ trưa" rất được chú ý. Chia sẻ với VOV2, Giáng Son cho biết cô mới lập kênh Youtube 'Giáng Sol Offical' để đưa tất cả các bài hát cũ và mới của mình lên chia sẻ với mọi người, nhưng khi đưa ca khúc "Giấc mơ trưa" lên cô bất ngờ bị một đơn vị là BH Media thông qua Youtube "đánh gậy bản quyền".

"Vì biết Youtube dạo này làm rất chặt về bản quyền nên tôi đưa bài 'Giấc mơ trưa' do tôi sản xuất trong album 'Giáng Son' (2007) lên trước. Tức là mọi bản phối, bản audio đều là của riêng tôi, tôi chưa hề ký hợp đồng bán hay chuyển giao ca khúc này cho bất kỳ đơn vị nào khác", Giáng Son chia sẻ.

Sau khi "Giấc mơ trưa" ra đời năm 2007, nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh từng xin bản phối "Giấc mơ trưa" để đi diễn và làm CD, do Hồ Gươm Video Audio phát hành. CD này sau đó đã được BH Media mua lại và phát hành trên các nền tảng số. Tuy nhiên, đây là 2 bản ghi hoàn toàn khác nhau, một bản ghi cho giọng hát của ca sĩ Khánh Linh, còn bản BH Media mua là bản ghi cho đàn nhị của Dương Thùy Anh. Thực tế, cả BH Media lẫn Hồ Gươm Video Audio không hề có quyền gì với bản ghi năm 2007 do Khánh Linh hát, nằm trong CD "Giáng Son".

BH Media nói gì?

Sáng 27/10, BH Media đã tổ chức họp báo để thông tin thêm về vụ việc này. Theo đơn vị này, phía nhạc sĩ Giáng Son và đơn vị được nữ nhạc sĩ ủy quyền bảo vệ quyền tác giả của mình là Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đang có sự hiểu nhầm. Bản ghi được Giáng Son đưa lên kênh Youtube cá nhân Giáng Son Official đúng là thuộc sở hữu của cô.

Nhưng trên YouTube có rất nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác nhau. YouTube sử dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) để rà soát và quét bản quyền trên nền tảng của mình, nên khi phát hiện có một bản ghi mới tải lên hơi giống với một bản ghi nào đã tồn tại trước đó, nền tảng này tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son. Ông Nguyễn Hải Bình, Giám đốc BH Media cũng cho biết, thực ra đây chỉ là một cảnh báo rất thông thường của YouTube và chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son hoặc VCPMC khiếu nại là BH Media sẽ xác nhận quyền tác giả cho cô.

"Thông thường khi phát hiện một bản ghi có dấu hiệu vi phạm bản quyền, YouTube sẽ tự động gửi cảnh báo bản quyền (mà ta vẫn quen thuộc với cách gọi "đánh gậy bản quyền"). Nó giống như một dạng "thẻ vàng cảnh cáo". Sau 3 lần bị thẻ vàng cảnh cáo thì kênh mới bị khóa. YouTube có nút Khiếu nại bên cạnh. Chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son khiếu nại, chúng tôi sẽ lập tức xác nhận quyền tác giả cho cô", ông Hải Bình chia sẻ.

Vấn đề ở đây là đang có sự nhầm lẫn giữa 2 yếu tố: Quyền Tác giả (Musical Composition) liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm; và Quyền Sở hữu Bản Ghi âm, Ghi hình (Sound Recording) liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi âm. Đó là 2 yếu tố hoàn toàn tách biệt nhau trong các ca khúc.

Theo Luật Bản quyền hiện hành, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ Quyền Bản ghi, còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ Quyền Tác giả hay còn gọi là Tác quyền. Do đó, nhạc sĩ Giáng Son có toàn quyền tác giả, quyền nhân thân với ca khúc "Giấc mơ trưa" do cô sáng tác, gồm: đặt tên cho tác phẩm, thể hiện tên thật hoặc bút danh của tác giả, công bố tác phẩm, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và yêu cầu dẫn nguồn khi có bên thứ 3 sử dụng tác phẩm. Nhạc sĩ Giáng Son cũng có một quyền khác là Quyền sở hữu bản ghi âm của ca sĩ Khánh Linh, nhưng quyền đó không đồng nghĩa với các bản ghi khác.

Ở Việt Nam hiện nay, không chỉ Giáng Son mà rất nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác về 2 loại quyền nêu trên. Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm thì có toàn quyền 100% đối với cả sáng tác lẫn những bản ghi âm, ghi hình. Ví dụ một nhạc sĩ sáng tác các ca khúc cho các show truyền hình thì không có quyền đăng tải các chương trình này lên kênh YouTube của nhạc sĩ, bởi các nhà đài hoặc đơn vị sản xuất chương trình mới là chủ sở hữu thực sự của các ca khúc này. Nếu nhạc sĩ đó làm một video trên YouTube sử dụng bản ghi âm của chủ sở hữu mà không xin phép thì YouTube lập tức gửi thông báo bản quyền tới nhạc sĩ đó ngay.

Chuyện chưa hồi kết

Sở dĩ tại Việt Nam, nhiều người - trong đó có các nghệ sĩ - nhầm lẫn giữa 2 loại quyền này là do xưa nay chúng ta chỉ quen gọi cả 2 quyền này bằng 1 từ duy nhất là Bản quyền, trong khi thực tế đó là 2 thực thể khác nhau. Chính sự lẫn lộn giữa 2 loại quyền này khiến trước đây từng xảy ra một vài vụ việc tranh chấp về tác quyền như vụ kiện giữa họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị liên quan đến việc chuyển thể bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt thành phim.

Về vụ việc của nhạc sĩ Giáng Son, cô đã ủy quyền cho VCPMC bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Hiện VCPMC chưa đưa ra thông báo thêm nào về vụ việc này. VOV2 sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến khán thính giả ngay khi có diễn biến mới.