Sau 3 năm tạm dừng do dịch Covid – 19, đầu xuân Quý Mão, các lễ hội được dịp “nở rộ”, thu hút đông du khách thập phương, đặc biệt là tại những nơi tâm linh, thờ tự. Dù đã được các cấp chính quyền chú trọng về hình thức tổ chức nhưng nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng nhếch nhác, biến tướng.

Đền Củi hay còn gọi là đền Chợ Củi là ngôi đền linh thiêng thờ Đức quan Hoàng Mười tọa lạc bên dòng sông Lam đoạn qua xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Tương truyền, đền Chợ Củi có tiếng linh thiêng, bởi vậy vào mùa lễ hội, không riêng người Hà Tĩnh mà tấp nập khách thập phương đến vãn cảnh và hành lễ cầu công danh, tài lộc, bình an... Thế nhưng khi khách vừa tới đường dẫn vào cổng Đền, hết nhóm nọ tới nhóm kia “bủa vây” với rất nhiều lời chào mời.

Bất cứ xe ô tô nào khi đi qua lối vào cổng Đền cũng sẽ được một người đàn ông không đeo băng, không mặc quần áo đồng phục thu tiền, xe 4 chỗ là 30.000 đồng, xe to hơn sẽ bị thu nhiều hơn, tất cả đều không một lời giải thích, thu để làm gì. Khách hành hương ai nấy đều “hỉ xả” rút tiền đưa theo yêu cầu mà chẳng cần đắn đo. Nhiều dịch vụ như sắp lễ thuê, viết sớ… cũng nở rộ trước cổng đền, nhà ai cũng đa dạng mặt hàng, từ mũ mã, ngựa voi, hoa quả, bánh kẹo…và rơi vào “mê cung” của sự dụ dỗ mua sắm lễ, mã… “Năm nào ở đây cũng chèo kéo, bám đuổi du khách, nhếch nhác mà sao không được dẹp bỏ?”, - anh Nguyễn Văn Trung – một du khách Hà Nội năm nào cũng đến lễ hội đền Củi, đặt câu hỏi.

Ngay cổng chính là nơi “kiếm ăn” của hàng chục người hành khất đủ lứa tuổi, từ già trẻ, gái trai, tật nguyền đến những người lành lặn đội lốt khổ sở ngồi xin tiền của khách đi lễ. Vậy nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một lực lượng nào nhắc nhở, hay họ coi đó chẳng phải việc của mình.

Lễ hội chùa Hương cũng chính thức được mở cửa trở lại sau 3 năm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tại nơi đây, vấn nạn chèo kéo, đổi tiền lẻ vẫn diễn ra như nhiều năm trước. Điểm nổi bật của lễ hội chùa Hương năm 2023 là việc BTC đổi mới hình thức bán vé tham quan và dịch vụ thuyền đò từ bán vé truyền thống sang điện tử. Việc này được cho là phù hợp với xu thế hiện đại và góp phần giảm thiểu lượng rác thải từ vé giấy. Tuy nhiên, quan sát cho thấy lượng rác thải vẫn còn khá lớn.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn cho du khách khi di chuyển trên suối Yến chưa được thực hiện triệt để. Du khách không được mặc áo phao, thản nhiên đứng lên chụp ảnh mà không có sự nhắc nhở của chủ đò.

Tại hầu khắp các nơi diễn ra lễ hội tâm linh, nhiều du khách vẫn rải tiền lẻ, đặt tiền lễ lên bàn thờ, nhét tiền vào các pho tượng…đã làm mất đi những nét đẹp vốn có của phát tâm công đức.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, lễ hội ở mỗi địa phương có điểm nhấn khác nhau, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân và thực hiện đúng chính sách của chúng ta đó là tôn trọng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Song trải qua thời gian, bị nhiều yếu tố vật chất chi phối, nhiều lễ hội đã biến tướng, chạy theo thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi tâm linh.

Những hiện tượng tiêu cực đang nảy sinh trong các lễ hội, theo ông Bùi Hoài Sơn là cần lên án để trả lại những giá trị thực cho lễ hội, để lễ hội thực sự là sự kiện của cộng đồng, tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc.

Cùng với công tác quản lý của một số địa phương chưa tốt khiến việc tổ chức chưa được quy củ khiến việc lợi dụng tổ chức lễ hội để kiếm chác, hàng quán không đúng quy hoạch, bãi trông xe tự phát mọc lên…. thì có những người dân thiếu ý thức khi tới lễ hội khiến chốn linh thiêng trở nên nhếch nhác.

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, tăng ni các chùa về việc tổ chức lễ cầu an đầu năm. Hội đồng Trị sự đề nghị việc tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu an, phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo. Thế nhưng tại nơi “hóa vàng” của hầu hết tại các Đền, chùa vẫn “rực lửa” do khách hành hương đốt vàng mã, xiêm y, ngựa, voi… với giá trị rất lớn.

Để những nơi tổ chức lễ hội thực sự văn minh, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: Bên cạnh việc nâng cao hình thức tổ chức, nội dung hoạt động của các địa phương thì cũng cần phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân khi đến các lễ hội. “Phải cho người dân biết chúng ta đến lễ hội đó là đến với cái giá trị gì, chúng ta phải thực hành lễ lạt ra sao, ứng xử như thế nào khi đến các lễ hội tâm linh” – Ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Mời quý vị và các bạn nghe nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với PGS.TS Bùi Hoài Sơn: