Thành công nhờ chiến lược marketing hợp lý

Thành công đáng ghi nhận của phim Bố già là một chiến lược marketing hợp lý. Phim chọn thời điểm ra mắt ngay khi các rạp chiếu được phép mở cửa lại sau dịch Covid-19, đúng thời điểm khán giả đang “đói” phim. Sau Tết lại chẳng có bom tấn ngoại nhập nào trên đường đua để cạnh tranh. Đối thủ khả dĩ nhất là Gái già lắm chiêu lại ra mắt sau đó gần 1 tuần, khi Bố già đã kịp xác lập vị thế vững chắc tại rạp chiếu. Cộng thêm hiệu ứng truyền miệng từ khán giả xem trước truyền cho người xem sau khiến Bố già luôn “nóng”. Đoàn phim cũng tiến hành các chiến dịch quảng bá, thực hiện cine tour tại các rạp trong Tp.HCM và Hà Nội. Thêm vào đó, thành công của web-drama trước đó cũng được xem là một yếu tố hút khán giả đến với phiên bản điện ảnh của phim.

Vậy, liệu có thể xem Bố già là “khuôn vàng thước ngọc” cho phim điện ảnh Việt Nam hay không?

Bố già chưa đạt đến tầm tư tưởng, định hướng giá trị thẩm mỹ cho công chúng như những siêu phẩm điện ảnh Việt Nam thời kỳ kháng chiến như “Vĩ tuyển 17 ngày và đêm” hay “Chị Tư Hậu”. Phim chưa thể khiến khán giả day dứt liên tục nghĩ về nó. Nói như nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm thì Bố già cũng chỉ "mua vui được một vài trống canh".

Anh Lê Hồng Lâm cho rằng, “muốn nền điện ảnh nội địa phát triển, những bộ phim hay mang tính "nguyên bản", đề cao các giá trị văn hóa "bản địa" phải chiếm đa số. Phải có thêm nhiều tác phẩm thương mại nguyên bản chinh phục được khán giả nội địa, đồng thời phải có những bộ phim độc lập, phim nghệ thuật chiến thắng tại các Liên hoan phim quốc tế lớn để định vị lại Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới, mở đường cho việc đưa phim Việt ra thị trường quốc tế”.

Vài năm qua, cũng có một vài phim Việt giành chiến thắng tại một số Liên hoan phim, nhưng nó giống như những phút lóe sáng xuất thần của một vài cá nhân đạo diễn hơn là một chiến lược có chủ đích của nền điện ảnh quốc gia.

Để đạt thành công doanh thu, các nhà làm phim Việt hiện nay chủ yếu lựa chọn công thức an toàn: phim hài. Về mặt đề tài, nội dung, điện ảnh Việt thiếu những cú đột phá giống như điện ảnh Hàn Quốc vừa làm được với Ký sinh trùng.

Biên kịch, đạo diễn Đặng Thu Trang phân tích: “Điện ảnh Việt Nam vẫn đang bơi lội để tìm kiếm con đường riêng, nhưng chưa tới tầm. Những nhà làm phim độc lập thì đi theo con đường riêng quá khác biệt so với tầm nhận thức chung của khán giả đại chúng. Còn các nhà làm phim khác thì tập trung vào làm phim hài nhảm. Mục đích chính cũng chỉ để né tránh kiểm duyệt. Phim hài thì dễ làm, vui vẻ, không đặt ra vấn đề đao to búa lớn như chính trị, bạo lực, sex…”.

Kịch bản - điểm yếu của điện ảnh Việt

Nhưng cũng khó trách Bố già, bởi điện ảnh Việt nói chung đang thiếu hẳn những kịch bản có tầm tư tưởng. Bản thân Bố già cũng khai thác chất liệu “hài hước” để thu hút khán giả. Theo đạo diễn Vũ Châu, từng nhiều năm làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Việt Nam đang quá thiếu những kịch bản hay.

“Bây giờ tay nghề của đạo diễn, quay phim, diễn viên rất khá, nhưng hiện nay biên kịch rất trì trệ", đạo diễn Vũ Châu nói. "Mà trì trệ như thế nó là vấn đề của cả xã hội chứ không phải là vấn đề riêng của nhà biên kịch nữa. Chúng ta thời nay chẳng có tiểu thuyết nào hút khán giả, chưa có truyện ngắn nào làm sôi động mọi người, thế thì làm sao điện ảnh có được kịch bản nào để sôi động”.

Nhận xét của đạo diễn Vũ Châu không khỏi khiến chúng ta giật mình! Mới đây, sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khiến công chúng nuối tiếc cũng vì quá lâu rồi văn đàn Việt Nam chưa xuất hiện thêm nhà văn nào có góc nhìn riêng và quan điểm nghệ thuật độc đáo như ông. Việc thiếu hụt các nhà văn, biên kịch giỏi khiến điện ảnh thiếu đi chất liệu đầu vào để sản xuất phim hay.

Hiện nay, với sự xuất hiện của những phim như Bố già hay Hai Phượng, có thể nói điện ảnh Việt Nam đã có những sản phẩm chất lượng về mặt kỹ thuật, đủ để xuất hiện trên sân chơi điện ảnh toàn cầu. Thành công về mặt doanh số của Bố già đã kích hoạt thị trường, khiến khán giả bớt định kiến với phim Việt, khiến nhà làm phim và nhà quản lý vững tâm hơn, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để điện ảnh Việt để lại dấn ấn.

Mà hình như, điện ảnh Việt vẫn đang loay hoay tìm đường chứ chưa thực sự bước chân vào đường đi!