Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá.

Thủ tướng nhận định: Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành nghề khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, Hội nghị sẽ là dịp tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đánh giá thực trạng về việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay, xác định những khó khăn vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

Thủ tướng nêu rõ: Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế. Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam Sáng tạo, Bản sắc, Độc đáo, Chuyên nghiệp, Cạnh tranh trên nền tảng văn hóa “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn từ năm 2018 - 2022, các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo và phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành công nghiệp văn hóa; bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đã từng bước được nâng cao. Kết quả cho thấy, một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đầu tư, nắm bắt cơ hội, triển khai hình thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá để kinh doanh, phát triển, mang lại những lợi ích nhất định về kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với sự phát triển liên tục của khoa học - công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghiệp văn hoá dựa trên chất liệu cơ bản và quan trọng nhất là sự sáng tạo. Do vậy, xu hướng phát triển của các sản phẩm và dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam phải đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, có bản sắc riêng, mang tính độc đáo và đáp ứng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ngành công nghiệp văn hóa còn gặp phải những khó khăn, hạn chế từ các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trong đó cần đề cập những vấn đề sau: Chưa có một văn bản pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá; Cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn thiếu đồng bộ; Nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có lợi thế, tiềm năng; Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hoá bản địa…

Từ góc nhìn của một doanh nghiệp đã hoạt động 27 năm trong lĩnh vực sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD cho rằng, công nghiệp văn hoá là một lĩnh vực rất mới với Việt Nam vì mới phát triển ở Việt Nam khoảng 15 năm nay. Về mặt chính sách và quản lý nhà nước, ngành này hiện tại chủ yếu được vận hành chỉ là quản lý văn hóa chứ chưa phải công nghiệp văn hóa.

Hiện tại tổng quan thị trường điện ảnh, các hệ thống rạp có phim Việt chiếm khoảng 30% thị phần, so với các nước trong khu vực thì tỷ lệ này khoảng 70-90%. Doanh thu phim Việt thì khoảng từ 18-33%, so với những nước như Hàn Quốc, Trung Quốc là 50-70%. Tỉ lệ bán vé trong những năm gần đây của Việt Nam tăng 20-40%. Việt Nam có khả năng lọt vào top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới. Khi Việt Nam lọt vào nhóm đó thì tỉ lệ phim sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm hay vẫn là 70% dành cho nước ngoài. Vì vậy chính sách của Nhà nước rất quan trọng để hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển.

"Các chính sách để văn hóa phát triển thì BHD thấy rằng phải coi trọng luật pháp và sản phẩm văn hóa. Sản phẩm văn hóa là tài sản trí tuệ nhưng bây giờ tài sản trí tuệ không thể mang ra vay vốn ngân hàng được, tài sản trí tuệ cũng không được bảo hộ. Liên quan đến vi phạm bản quyền, ăn trộm một cái xe máy thì bị đi tù nhưng ăn trộm một bộ phim 30-40 tỷ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, cần phải khơi thông nguồn vốn ngân hàng, vốn vay cho văn hóa. Rất mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất cho vay nông nghiệp. Làm sao để các bộ phim không có tài sản hữu hình nhưng có thể đi vay để sản xuất được" - bà Hạnh nêu kiến nghị.

Tại Hội nghị, bà Trương Uyên Ly - Giám đốc Hanoi Grapevine nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian sáng tạo trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Các không gian sáng tạo tạo ra nhiều việc làm mới, giúp cải tạo cảnh quan của khu vực, ví dụ như từ một nhà máy bỏ hoang, bãi đỗ xe trống, mảnh đất chưa biết làm gì còn trong quy hoạch treo chẳng hạn thì những người có tài năng sáng tạo có thể biến thành khu rất sinh động như quán café, studio, tiệm trà thưởng thức âm nhạc...

Ví dụ như không gian làm việc chung Tổ ong for Working đang mở rất nhiều địa điểm tại Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Lào, Campuchia. Trong khi rất nhiều không gian làm việc chung khác đã không tồn tại do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì không gian Tổ ong vẫn tồn tại và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới bởi vì họ đem các chương trình nghệ thuật, các triển lãm vào trong không gian này, tạo bản sắc và sự thu hút đặc biệt. Nhờ thế đã tồn tại được qua dịch COVID và phát triển mạnh mẽ. Một không gian sáng tạo khác là không gian trực tuyến. Trước đây không có địa điểm, thậm chí không có văn phòng nhưng đã tồn tại suốt 15 năm qua và là một không gian sáng tạo rất năng động kết nối, hỗ trợ rất nhiều nghệ sĩ, truyền thông cho nghệ sĩ đem các tác phẩm, ý tưởng và tài năng của họ đến với công chúng. Đấy chỉ là những ví dụ nhỏ trong hàng trăm không gian sáng tạo ở Việt Nam hằng ngày đang thu hút hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội đến tận hưởng các dịch vụ.

Với nhiều tác động như vậy, nhưng không gian sáng tạo vẫn đang gặp phải khó khăn: Các không gian sáng tạo đang thực hiện các nghĩa vụ thuế giống các doanh nghiệp thông thường khác. Khi tham gia các dự án hợp tác công - tư thường gặp khó khăn với mức chi rất thấp của Nhà nước.

Do đó, kiến nghị Chính phủ thành lập Tiểu ban hành động công nghiệp văn hóa sáng tạo công nghệ liên bộ ngành, cần hoàn thiện các trung tâm và chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp, có tầm nhìn toàn cầu, miễn giảm thuế thu nhập đối với các dự án công – tư. Làm được như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghiệp sáng tạo của Đông Nam Á và của cả châu Á.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị, báo cáo và các ý kiến tại Hội nghị; chỉ rõ những kết quả đạt được về phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam và những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp trong công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.