Vụ lật tàu du lịch trên vùng biển vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) mới đây đã khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, đau xót. Một cơn giông lốc quét qua đã cướp đi sinh mạng của gần 40 con người, để lại nỗi đau, mất mát lớn và bài học vô cùng đắt giá. Tuy là sự cố hy hữu, song sự việc đã gióng lên hồi chuông không chỉ về tính bất thường của thời tiết biển, khả năng thoát nạn mà còn là tính tuân thủ trước cảnh báo của cả người dân lẫn các cơ quan hữu quan.
Giữa lúc mùa hè bước vào giai đoạn cao điểm, rất nhiều du khách đổ về các bãi biển để nghỉ dưỡng, thư giãn và trải nghiệm các tour biển đảo. Bởi vậy, việc trang bị kiến thức phòng tránh và xử lý trong các tình huống xấu khi du lịch biển là điều vô cùng cần thiết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, Tổng giám đốc Công ty du lịch Mekong Rustic, lật tàu, thuyền là sự cố hy hữu nhưng từ vụ việc lật tàu Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long vừa rồi cho thấy công tác quản lý tàu, thuyền du lịch còn có những lỗ hổng. “Với những việc đã xảy ra thì không chỉ liên quan đến chủ tàu mà liên quan đến cả một quy trình. Quy trình cấp phép, quy trình an toàn đã xử lý hay chưa. Ngành du lịch bây giờ không phải quản lý theo sự vụ mà phải quản trị rủi ro. Tức là nếu sự cố xảy ra thì chuẩn bị như thế nào cho việc đó để không xảy ra tình huống xấu nhất”.
Đúng là tình huống quá bất ngờ nhưng rõ ràng đây là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các cơ quan quản lý tại điểm đến cần phải giám sát chặt chẽ hơn, cảnh báo và phối hợp kịp thời tới chủ phương tiện, các công ty du lịch cũng như du khách để phòng tránh những tình huống xấu có thể xảy ra.
“Phải có đa kênh phương tiện để làm việc với chủ tàu và khách du lịch. Ví dụ có hệ thống SMS, có số điện thoại của các chủ tàu, kênh liên lạc với chủ tàu để trong trường hợp có sự cố thì liên hệ trực tiếp, có phương thức liên lạc với bộ phận cứu hộ. Bên cạnh đó, phải có các hình thức xử phạt nặng với các đơn vị vi phạm. Trong trường hợp thời tiết bất thường thì việc hủy tour là cần thiết. Phải đặt an toàn cho du khách lên hàng đầu”, ông Nguyễn Ngọc Bích nêu quan điểm.
Đảm bảo an toàn cho du khách là yếu tố đầu tiên và tiên quyết ở mỗi điểm đến và mỗi đơn vị làm du lịch. Bởi vậy, về phía các công ty du lịch cũng cần phải cần thường xuyên trang bị kiến thức, kỹ năng, đào tạo cho các hướng dẫn viên ứng phó được trong các tình huống khẩn cấp. Đồng thời trong mỗi hành trình cần phổ biến tới du khách những yếu tố bất ngờ có thể xảy ra cũng như quy trình an toàn cần thiết cho một chuyến đi.
"An toàn là trách nhiệm của cả hệ sinh thái du lịch chứ không phải của riêng ai. Chúng ta cần ban hành những quy định mới cho việc đảm bảo an toàn cho du khách và cho ngành du lịch. Bên cạnh đó phải đẩy mạnh việc trang bị kỹ năng cho du khách. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, kỹ năng sinh tồn đã được đưa vào trong trường học. Những điều đó sẽ giúp họ có những kỹ năng để phòng tránh những tình huống rủi ro bên ngoài cuộc sống", ông Nguyễn Ngọc Bích bày tỏ.
Trong ngành du lịch đường thủy, nơi mỗi chuyến đi là cuộc hành trình mang theo sinh mạng bao con người. Chính vì thế, để phòng tránh những tai nạn rủi ro có thể xảy ra, đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía: chính quyền – doanh nghiệp du lịch – du khách. Điều quan trọng nhất là các nhà tổ chức tour đừng bao giờ đánh đổi sự an toàn lấy trải nghiệm./.