Cuốn sách “Cầu Long Biên – Cây cầu huyền thoại” do Công ty Cổ phần Bảo tàng Cầu Long Biên và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp thực hiện. Đây là tuyển tập các bài viết của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau và các sáng tác thơ ca của nhiều tác giả do KTS Nguyễn Nga - Giám đốc Công ty Bảo tàng Cầu Long Biên làm Chủ biên.
Theo KTS Nguyễn Nga, cuốn sách chất chứa nhiều hoài niệm, tình yêu và khát vọng về cây câu biểu tượng, "nhân chứng" lịch sử đặc biệt của Hà Nội. "Với tôi, hành trình 17 năm dành nhiều tâm huyết cho dự án bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên là quãng thời gian vô cùng quý giá. Và chúng tôi đã viết cuốn sách này như một cuốn nhật ký lưu lại hành trình ấy bởi cây cầu không chỉ trải qua những năm tháng đạn bom mà còn đứng vững trong thời bình, trở thành biểu tượng nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai, gắn kết các thế hệ, các dòng nghệ thuật, đưa Việt Nam gần hơn với thế giới".
Tại sự kiện, ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước chia sẻ, sở dĩ cây cầu Long Biên trở nên huyền thoại bởi nó là nhân chứng, được chứng kiến những con người huyền thoại, làm nên những sự kiện lịch sử huyền thoại cho một dân tộc, đất nước Việt Nam huyền thoại. "Cầu Long Biên đã đồng hành cùng các sự kiện quan trọng của Thủ đô Hà Nội nói riêng và dân tộc nói chung khi đi qua các cuộc kháng chiến để giành được độc lập và nó sẽ còn tiếp tục chứng kiến giai đoạn phát triển mới của đất nước".
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, cầu Long Biên ra đời trong chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nhưng cũng mang lại sự thay đổi to lớn cho đất nước ta. Ngay sau khi cầu Long Biên được hoàn thành, dân số Hà Nội tăng rất nhanh. Dù thời điểm ấy không còn là kinh đô nhưng Hà Nội vẫn giữ một vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ là cái nôi của nền văn hiến mà còn là nguồn lực phát triển của đất nước.
"Năm 1954, cầu Long Biên là địa điểm ta và Pháp bắt tay nhau để chia tay, đánh dấu sự kết thúc, rút quân của Pháp ra khỏi Hà Nội. Một sự kiện mà chúng ta ít nhớ tới, trong khi quân Pháp rút ra khỏi Hà Nội trên cầu Long Biên, có một người Pháp khác đi về phía ngược lại, đó là ông Jean Sainteny (Tổng đại diện của Chính phủ Cộng hòa Pháp bên cạnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)", nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Tại sự kiện cũng trưng bày 20 tác phẩm với chủ đề “Cầu Long Biên trong Hà Nội mùa thu”. Không gian triển lãm kết hợp với nghệ thuật sắp đặt sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan đến hết 10/10/2024.
Đặc biệt, chương trình bán đấu giá online 20 tác phẩm về cầu Long Biên cũng sẽ được tổ chức trong sự kiện này. Theo BTC, toàn bộ số tiền thu được trong hoạt động bán sách và đấu giá tranh sẽ được gây quỹ xây dựng cầu và ủng hộ đồng bào vùng lũ.
Cầu Long Biên (tên cũ là cầu Paul Doumer) là cây cầu thuộc đoạn đường quốc lộ 1 cũ bắc qua sông Hồng kết nối quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình với quận Long Biên của Hà Nội, thay thế cho bến đò Ngọc Lâm cũ từ thế kỷ 19.
Cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1898 tới năm 1902 bởi công ty Daydé & Pillé, và được sử dụng vào năm 1903.
Cầu dài 2290 m qua sông và 896 m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá.
Tài liệu của Cục Văn thư lưu trữ nhà nước có ghi, trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc (1965-1972), cầu Long Biên bị ném bom 14 lần, làm 1.500m cầu, 9 nhịp và 4 trụ cầu bị hư hỏng nặng. Để bảo vệ cầu, bộ đội công binh, phòng không Việt Nam và dân quân tự vệ Hà Nội đã xây dựng nhiều trận địa pháo phòng không, có trận địa cao 11,5m, trên bãi cát nổi giữa sông Hồng.