Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng:

Chỉ 2 tỷ/phim nên không có đơn vị nào tham gia đấu thầu

[VOV2] - "Mỗi năm nhà nước đầu tư cho phim chỉ khoảng 65 tỷ để sản xuất 40 bộ phim. Trong đó, phim điện ảnh chỉ 1-2 phim trong 2 năm, tính ra mỗi phim chỉ 2 tỷ/năm nên không đơn vị nào tham gia đấu thầu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Chiều 28/10, giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, điện ảnh Việt Nam đã có một quá trình phát triển lâu dài, bắt đầu từ năm 1923. Mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau, điện ảnh Việt Nam đã hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình.

Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, điện ảnh nước nhà cũng phải vươn lên để thực hiện được mục tiêu vừa phát triển một lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật nhưng cũng vừa là một ngành kinh tế (công nghiệp điện ảnh).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong quá trình chuẩn bị, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, xem xét 20 nước có nền điện ảnh phát triển để học hỏi, lựa chọn những vấn đề phù hợp để đưa vào Luật.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận đây là vấn đề khó khi 80% thị phần chiếu phim của Việt Nam hiện nay do nước ngoài đầu tư, quản lý. Việt Nam chỉ giữ được 20% thị phần.

Khó khăn thứ hai được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ ra là thiếu nguồn lực cả về tài chính, con người cũng như về phim trường.

Trước thách thức như vậy, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi lần này tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi.

(Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi), chiều 28/10)

Cụ thể, về chính sách chung cho điện ảnh được thể hiện ở điều 5; điều 6. Điều 5 nhấn mạnh đến việc đầu tư sản xuất phim để phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển phổ biến phim phục vụ cho miền núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho điện ảnh và tổ chức liên hoan ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhất là trong bối cảnh công nghệ số.

Về chính sách để phát triển công nghiệp điện ảnh, dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính. Đó là đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp cho doanh nghiệp điện ảnh; phát triển thị trường điện ảnh trong nước gắn với sản phẩm dịch vụ và du lịch; những biện pháp khuyến khích phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm; bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan xây dựng hệ thống dữ liệu và thúc đẩy các vấn đề phát triển, trong đó thu hút đầu tư và tạo môi trường bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia trong lĩnh vực điện ảnh.

Liên quan đến thẩm quyền cấp phép và thẩm định phim, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo quy định tại dự thảo, việc thẩm định và cấp phép cho các loại phim do cơ quan nhà nước là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh thực hiện.

Trước ý kiến đề nghị bỏ thẩm định kịch bản đối với phim hợp tác, liên doanh với nước ngoài, Bộ trưởng Nguyến Văn Hùng kiến nghị các đại biểu Quốc hội cân nhắc thêm.

“Thực tế thời gian qua, có một số việc liên kết, liên doanh không tuân thủ và vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam. Gần đây nhất nhà làm phim làm về hang Sơn Đoòng của Quảng Bình. Họ dựng ra câu chuyện về một gia đình người nước ngoài phát hiện ra và sinh sống ở đây. Đây là sự xuyên tạc và không phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, các phim hợp tác với nước ngoài thường không phổ biến tại Việt Nam vì vậy nếu không thẩm định kịch bản sẽ rất khó kiểm soát”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề phân loại phim và phổ biến phim trên không gian mạng, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, hướng của ban soạn đề xuất là kết hợp phân loại phim và giao trách nhiệm cho các cơ quan phát hành phim chịu trách nhiệm sau đó hậu kiểm để phổ biến phim trên không gian mạng.

Tuy nhiên đây cũng là vấn đề rất khó khi công nghệ của Việt Nam mới chỉ kiểm soát được phần âm thanh còn toàn bộ phần hình ảnh chưa có đủ công nghệ để kiểm soát.

Về đề xuất của một số đại biểu Quốc hội nên tổ chức đấu thầu sản xuất phim theo ngân sách nhà nước đặt hàng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, không phải ban soạn thảo hay cơ quan quản lý không muốn tổ chức đấu thầu.

“Hơn 10 năm nay tính ra mỗi năm nhà nước đầu tư cho phim chỉ khoảng 65 tỷ để sản xuất 40 bộ phim. Trong đó 20 bộ phim truyện truyền hình, 15 phim tài liệu, phóng sự, còn chỉ khoảng 1-2 phim điện ảnh trong 2 năm. Tính ra mỗi phim chỉ 2 tỷ/năm. Vì vậy khi tổ chức đấu thầu thì hầu như không có đơn vị nào tham gia đấu thầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giải trình.

Cuối cùng, liên quan đến quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, người đứng đầu Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nhiều quốc gia có quỹ phát triển điện ảnh, thậm chí các nền điện ảnh lớn cũng có quỹ này. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kiến nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc tiếp tục quy định cần phải có quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Phải biến điện ảnh trở thành ngành kinh tế công nghiệp

[VOV2] - Cần nhìn nhận điện ảnh không chỉ dưới tác phẩm văn học nghệ thuật mà còn ở sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa rất cao, như một ngành kinh tế, một ngành công nghiệp.
image-article
Tag:
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành

"Điện ảnh là lĩnh vực đa ngành, mình Luật Điện ảnh không giải quyết hết vấn đề"

[VOV2] - Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành giải đáp những thắc mắc dư luận về có hay không việc Hội đồng duyệt phim lộ nội dung phim và những vấn đề khác như cảnh nude trong phim Việt, hợp tác quốc tế, chính sách hoàn thuế...
image-article
Tag: